Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:38
RSS

Hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng 'phi mã', nhiều khách hàng bức xúc

Thứ sáu, 26/04/2019, 11:28 (GMT+7)

Hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với tháng trước khiến nhiều khách hàng bức xúc. Nguyên nhân được ngành điện lý giải là nắng nóng kéo dài cộng với giá điện bình quân tăng 8,36% từ 20/3.

Chị M.P ở quận 7 (TP.HCM) cho Thanh Niên biết, vừa trả tiền điện tháng 4 lên đến 1,1 triệu đồng (làm tròn), tăng gấp đôi so với tháng trước đó và cũng là tăng gấp đôi so với số tiền điện bình quân lâu nay của gia đình chị.

"Trước đó, thấy thông báo từ ngày 20/3, giá điện tăng thêm hơn 8%, mình cũng chuẩn bị tâm lý rồi nhưng vẫn bị sốc khi nhận được giấy thông báo. Tôi đồng ý là đang trong cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện hay cụ thể là máy lạnh có tăng về thời gian hơn bình thường một chút, nhưng hóa đơn tiền điện tăng sốc như vậy thì vẫn cảm thấy có cái gì đó sai sai. 

Cái cảm giác đó lại càng được củng cố khi giấy thông báo tiền điện lần này lại không có đầy đủ thông tin như những lần trước; khách hàng muốn biết phải tự lên mạng kiểm tra. Tôi thấy lãnh đạo điện lực TP.HCM đã lên tiếng xin lỗi về việc này. Nhưng việc tăng giá là theo lộ trình vậy mà tại sao ngành điện ở một thành phố lớn như vậy lại để xảy ra sự cố cơ bản, thật khó hiểu", chị M.P nói.

Sốc với tiền điện là tình cảnh chung của hầu hết mọi người trong những ngày qua. Chị T.Xuân ở quận 3 choáng váng khi thấy tiền điện lên tới gần 2 triệu đồng, tăng gần gấp 3 lần bình thường. Trong khi nhà có 3 người thì hai vợ chồng chị đi làm suốt ngày còn con nhỏ đi học đến chiều tối mới về. Biết điện tăng giá nên đã ý thức và sử dụng tiết kiệm hơn nhưng vẫn bị sốc.

Hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng 'phi mã', nhiều khách hàng bức xúc
Ảnh minh họa

“Hết giá xăng, đến giá điện tăng sốc như vậy làm cho mọi kế hoạch chi tiêu bị đảo lộn hết. Rồi bao nhiêu thứ khác ngoài thị trường kéo nhau tăng giá theo làm cuộc sống ngày càng khó khăn. Bây giờ cầm tờ tiền 500.000 đồng ra đường, quanh đi quẩn lại là hết mà không biết đã tiêu vào đâu”, chị T.Xuân than thở.

Theo đại diện EVN Hà Nội trao đổi với VNE, do giá điện điều chỉnh từ 20/3 nên hóa đơn điện của hộ gia đình tháng 4 sẽ được tính theo phương pháp nội suy, gồm giá cũ và mới trên số ngày dùng điện thực tế.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trước và sau điều chỉnh ngày 20/3:

Bậc thang Đơn giá cũ Đơn giá mới Tỷ lệ tăng (%)

Bậc 1: Cho kWh 0-50 1.549 1.678 8,33
Bậc 2: Cho kWh 51-100 1.600 1.734 8,38
Bậc 3: Cho kWh 101-200 1.858 2.014 8,40
Bậc 4: Cho kWh 201-300 2.340 2.536 8,38
Bậc 5: Cho kWh 301-400 2.615 2.834 8,37
Bậc 6: Cho kWh 401 trở lên 2.701 2.927 8,37

Ví dụ khách hàng tiêu thụ 292 kWh trong 31 ngày (kỳ ghi hóa đơn 13/3 đến 12/4), thì số ngày sử dụng điện theo giá cũ là 7 ngày; số ngày dùng giá điện mới là 24 ngày. Như vậy sản lượng điện tính theo giá cũ: (292 kWh/31 ngày) * 7 ngày = 66  kWh. Còn lại, sản lượng điện tính theo giá mới là 226 kWh.

Hóa đơn điện phần giá mới và cũ ngoài tính theo số ngày dùng thực tế, sẽ được tính theo đơn giá điện bậc thang điện tương ứng với tổng sản lượng tiêu thụ của tháng. Chẳng hạn, với sản lượng dùng điện trong tháng là 292 kWh, tương ứng ở giá điện bậc thang thứ 4, nên sản lượng điện theo giá cũ và mới đều được tính lũy tiến tới giá điện bậc 4.

Ngoài ra, người dùng điện có thể trực tiếp kiểm tra số công tơ, hóa đơn hàng tháng thông qua ứng dụng của EVN bằng cách tải về điện thoại, đăng nhập bằng mã khách hàng trên hóa đơn điện hàng tháng và mật khẩu do tổng đài điện lực cung cấp. 

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN