Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:05
RSS

Hỗ trợ học sinh vượt qua tâm lý tiêu cực vì Covid-19

Thứ ba, 23/11/2021, 11:17 (GMT+7)

Khi cho học sinh quay lại trường, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn cho thầy và trò thì việc hỗ trợ tâm lý cho các em cũng rất quan trọng.

 


Bên cạnh việc ổn định học tập, giáo viên tăng cường hỗ trợ tâm lý cho học sinh.

Để học sinh quen dần với việc học trực tiếp, các thầy cô cần tìm hiểu những vấn đề các em đang gặp phải để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Vượt qua cảm xúc tiêu cực khi học tập trực tuyến

Theo nghiên cứu của nhóm giảng viên Trường Đại học giáo dục (ĐHQGHN), việc học online kéo dài tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Những tác động bao gồm sự thiếu đi những hoạt động giáo dục khác ở trường bên cạnh việc học kiến thức, thiếu những tương tác thường xuyên giữa những bạn học.

Thêm nữa, hoạt động giáo dục thể thao và các lớp học ngoại khóa cũng đã dừng lại, các tiếp xúc bị hạn chế tối đa. Phần lớn, các bậc cha mẹ đều đi làm và đứa trẻ ở một mình trong nhà, không có cách nào để bọn trẻ có thể tiếp xúc với bất kỳ ai. Điều đó khiến cho trẻ cảm thấy hụt hẫng, mệt mỏi, cô đơn, tách biệt, căng thẳng kéo dài, cảm giác bất lực.

Qua thực tế giảng dạy, cô Nguyễn Thị Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) - cho biết, thời gian học trực tuyến kéo dài đã khiến nhiều học sinh nhàm chán, không có hứng thú học. Nhiều em không nghe thầy cô giảng bài, tắt micro, tắt camera và thực hiện các hoạt động khác với máy tính như sử dụng các trình duyệt khác có thể có nội dung không lành mạnh.

Ngoài ra, dành quá nhiều thời gian trên mạng khiến trẻ gia tăng mối bận tâm của mình với Internet, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề cảm xúc và hành vi của trẻ. Trẻ dễ lo lắng, dễ bị bốc đồng hơn, dễ nổi cáu, lộn xộn trong giờ giấc sinh hoạt, phát triển thói quen ngủ thất thường.

Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) - cho rằng, với những vấn đề tâm lý liên quan đến học tập, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách suy nghĩ tích cực; chủ động mở lòng chia sẻ với thầy cô, cha mẹ, người thân về khó khăn của mình để nhận được sự trợ giúp.

Khi học căng thẳng, giáo viên tổ chức cho học sinh vận động nhẹ nhàng, hít thở thật sâu để thư giãn; trong khi học nên có quãng nghỉ để thay đổi tư thế, không ngồi quá lâu trước màn hình. Hướng dẫn các em học sinh nên có một số vật dụng giúp thư giãn sau giờ học như đánh đàn, chơi bóng, gấp giấy.

Khi có vấn đề tâm lý liên quan đến gia đình, giáo viên gợi mở cho học sinh biết cách tìm đến người mà mình yêu thích để chia sẻ, không nên giữ trong lòng và chịu đựng một mình; tìm những thú vui của bản thân như nghe nhạc, xem phim hài… Học sinh cũng không nên tìm hiểu sâu, quá nhiều về những thông tin liên quan đến dịch bệnh hay tệ nạn xã hội, mà dành thời gian làm công việc gia đình, như nấu cơm, dọn nhà cửa, nấu một món ăn mình yêu thích.

Với nhóm khó khăn tâm lý liên quan đến sức khỏe thể chất, thầy cô giáo cần hướng dẫn học sinh chủ động chăm sóc bản thân; lên kế hoạch sinh hoạt khoa học như ăn, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc; thời gian ngủ nên trước 10 giờ 30 phút tối và thức dậy vào giờ phù hợp để kịp ăn uống, học online mà không quá cập rập. Cùng với đó, tập thể dục hàng ngày, vận động nhẹ nhàng trong giờ học.


Học sinh Trường THCS Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội) ngày đầu trở lại trường học.

Kịp thời trợ giúp học sinh khi quay trở lại trường

Sau thời gian học trực tuyến kéo dài, các trường học bắt đầu lên kế hoạch đón học sinh quay trở lại học tập. Sau thời gian học trực tuyến kéo dài, học sinh đã “quên dần” thói quen đến trường. Dó đó, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN), lần quay lại trường học này sẽ khác rất nhiều so với khi học sinh nghỉ học phòng dịch thời gian trước, khi mà thời gian kéo quá dài. Có thể, những ngày đầu tiên trở lại trường, các em rất hào hứng nhưng sau đó sẽ đối mặt với nhiều nỗi lo như không quen với việc học, bất ổn tâm lý khi gia đình trải qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Vì vậy, chuyên gia Trần Thành Nam cho rằng, điều đầu tiên liên quan đến việc mở cửa trường để học sinh được đi học trở lại, lãnh đạo các địa phương cần cân nhắc trên cơ sở khoa học những lợi ích và nguy cơ về mặt giáo dục, y tế công cộng và kinh tế - xã hội để đưa ra quyết định phù hợp và thấu cảm với niềm tin và suy nghĩ của cộng đồng, các bậc phụ huynh.

Chuyên gia Trần Thành Nam cũng chia sẻ: Trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường, giúp con hiểu đúng và có cảm giác an toàn. Một tuần trước khi quay trở lại trường phải giảm tải học online, thiết lập lại lịch ăn, ngủ phù hợp. Bố mẹ có thể cùng hỗ trợ con tổ chức lại góc học tập và cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một hành động “lên dây cót” tinh thần.

Về phía nhà trường và giáo viên, trong tuần đầu tiên học sinh quay trở lại trường, cần nới lỏng để học sinh thích ứng lại với cuộc sống học tập ở trường. Giáo viên không nên chỉ quan tâm đến việc đuổi kịp chương trình, thậm chí chỉ dạy một nửa khối lượng kiến thức theo lịch trình, còn lại dành thời gian cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Thầy Chu Quang Ưng - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội) - cho biết, bên cạnh việc sẵn sàng các điều kiện phòng chống dịch để đón học sinh quay trở lại học tập, nhà trường sẽ dành tuần học đầu tiên để hỗ trợ tâm lý cho các em. Mọi xích mích nhỏ phải được để tâm tới, không để xảy ra những vụ việc bắt nạt, bạo lực học đường là hệ quả của sự bí bức do cách ly lâu ngày.

Nhà trường cũng lên kế hoạch đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý của học sinh. Nhà trường đã yêu cầu các giáo viên chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần và tích cực giới thiệu học sinh đến tham gia các hoạt động hỗ trợ. Đó là cách thức để giảm các hành vi bạo lực bộc phát.

 

Lan Anh
Theo Giáo dục & Thời đại