Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:19
RSS

Hiểu nỗi đau của vợ, chồng xăm lên tay dòng chữ "Không bao giờ rời xa em"...

Thứ ba, 01/11/2016, 11:33 (GMT+7)

Anh Phạm Trần Trung (TP HCM) đã xăm lên dòng chữ đặc biệt này như một sự động viên tinh thần người vợ yêu thương.

Chuyện ngôn tình đâu phải chỉ có trên phim, trên sách. Trong buổi làm đẹp cho các bệnh nhân ung thư vú do Mạng lưới Ung thư Vú Breast Cancer Network Vietnam tổ chức, chúng tôi đã cảm động rơi nước mắt trước sự quan tâm chăm sóc mà anh Phạm Trần Trung dành cho vợ - chị Nguyễn Thị Thu Trang.

Tình thơ và sóng gió

Vẫn trong những ngày vật vã với những toa hóa chất, sinh học truyền vào người, khuôn mặt chị Trang sạm đen và phù nề, mái tóc mới mọc lưa thưa, thế nhưng, ánh nhìn và nụ cười của chị tràn ngập hạnh phúc. Trang điểm cho chị xong, người phụ trách chương trình hỏi anh có muốn nói gì với vợ không?

Hỏi đi hỏi lại, anh chỉ nói một câu: “Em đẹp quá!”. Bị mọi người trêu chọc, thúc hối, anh Trung mới bối rối: “Em ráng sống với cha con anh nhé!”. Câu nói chân chất, giản dị mà thiết tha của anh khiến chị đang cười bỗng bật khóc, những người xung quanh cũng nghèn nghẹn theo.

Anh Trung và chị Trang là bạn học chung cấp III. Học chung, nhưng chẳng chơi với nhau vì chị không mấy cảm tình với anh chàng khô khan. Vào đại học, có lần Trang tổ chức sinh nhật và mời bạn bè cũ mà không mời Trung.

Một cô bạn gái phải nhắc Trang mời anh, vì họ nhờ anh trang trí cho buổi sinh nhật, không mời thì kỳ cục, Trang đành gật đầu. Lời mời miễn cưỡng ấy giúp họ nhìn thấy nhau gần hơn một chút, biết nhau hơn một chút mà rồi hóa thành tình yêu, khi cả hai nhận ra ở nhau sự hiền hậu, giản dị, chân thành.

Từ sau buổi sinh nhật, anh Trung thường xuyên ghé thăm chị Trang. Gia đình Trang lúc ấy rất khó khăn. Vừa đi học chị vừa phải cùng ba mẹ lo toan, vất vả vì gia đình. Những vất vả mà người khác thấy có khi sẽ ngại ngần, chẳng dám tiến tới. Anh Trung cũng mồ côi mẹ từ ngày còn bé, thiệt thòi nhiều trong đời sống tình cảm.

Khó khăn, gian nan, vất vả nếu không chia rẽ hay làm người ta xa cách nhau được thì sẽ gắn chặt họ bằng một thứ keo không gì chia rẽ nổi. Và vì thế, sau hơn ba năm trời yêu thương, vượt qua mọi sóng gió, họ đã tổ chức đám cưới cùng cam kết “chàng đi cho thiếp theo cùng”.

Vì mưu sinh, anh Trung phải đổi chỗ ở, hết Bảo Lộc (Lâm Đồng) tới Củ Chi (TP.HCM). Chồng đâu, vợ đó, chị Trang chẳng nề hà khó khăn mà đùm túm con cái theo anh, dù công việc không ổn định, đồng tiền kiếm được vô cùng gian nan.

Nhắc lại quãng đời này, chị Trang rưng rưng: “Anh ấy khéo léo, giỏi giang, chịu khó lắm, mà chẳng biết tại sao làm ăn không may mắn. Mở cái gì ra làm cũng thất bại, anh ấy mày mò làm thêm cái này, cái kia từ đôi bàn tay khéo léo của mình, thế mà cũng chẳng thành công.

Cơ sở của anh ở Củ Chi bị cúp điện hoài vì không đủ tiền điện để trả. Khó khăn quá, tôi đành bồng hai con về sống chung với ba má. Anh Trung lần hồi thời gian rồi cũng phải đóng cửa cơ sở làm ăn, về Sài Gòn sống chung với gia đình tôi”.

Tính anh Trung hiền lành, ít nói và đặc biệt là rất hiếu thảo, giỏi chăm sóc vợ con, chăm sóc cha mẹ vợ nên cuộc sống dù không mấy dư dả nhưng cũng êm đềm, bình an. Cho đến ngày chị phát hiện mình bị ung thư vú.

Những ngày tháng đau khổ

Lần nọ, chị Trang tình cờ phát hiện trong ngực có khối gì đó rất cứng. Nghe vợ nói, anh Trung lo lắm, yêu cầu vợ đóng cửa hàng (khi ấy họ đang có một shop quần áo nhỏ) để đi khám bệnh. Chị Trang trấn an: “Không sao đâu anh, ngày xưa người già hay nói trong ngực phụ nữ có trái chanh, trái chấp gì đó. Chắc không nguy hiểm đâu”. Thế nhưng anh Trung nhất quyết bắt vợ đi khám.

Cùng khám với chị hôm ấy ở BV Q.Bình Thạnh có ba người phụ nữ. Hai người kia được bác sĩ cho về ngay, chỉ có chị là bác sĩ giữ lại với chẩn đoán nghi ngờ ung thư. Những khám nghiệm, xét nghiệm sau đó cho ra kết quả: K vú xâm lấn phần cơ ngực, khối u dính vào xương. Bác sĩ bảo: "Sao lại để tình trạng nặng đến thế này?". Chị hỏi mình còn sống được bao lâu nữa? Chừng 5 năm nữa. Đất trời sụp đổ dưới chân chị.

Bước khỏi phòng khám, chị Trang nói với chồng: “Em bị ung thư rồi”. Anh Trung nạt vợ, nói chị đừng vội tin. Anh đưa chị đến gặp bác sĩ quen, trải qua vài lần xét nghiệm, sinh thiết, kết quả không thay đổi. Anh khóc, ba mẹ chị khóc, anh chị em trong nhà khóc. Sau một vài đêm thức trắng, chị Trang sụt 2kg. Chị rơi vào trạng thái khủng hoảng, không nói chuyện được với ai, không muốn nghe, không muốn nhìn gì nữa.

Giữa muôn vàn rối rắm, điều khiến chị và gia đình hoang mang nhất là không biết nên mổ hay không mổ. Nghe mọi người nói cái khối u ấy ác lắm, đụng dao kéo vào sẽ khiến nó phát triển nhanh, thế là chị và chồng bàn nhau chữa Đông y, tránh xa dao kéo. Đến chừng vào bệnh viện, bác sĩ kêu đi đóng tiền mổ, chị và anh còn chần chừ.

Những bệnh nhân khác kéo chị vào, chỉ cho chị thấy hàng chục người là nạn nhân của việc chữa bằng lá, bằng thuốc tễ, cho đến khi các khối u phát triển lớn, vỡ mủ… chị và anh mới quyết định chấp nhận mổ và vào hóa chất. Thế nhưng tình hình sức khỏe chị sau những ngày dài suy sụp lại quá yếu, đến mức thiếu máu trầm trọng. Ca mổ phải lùi lại để chị về bồi bổ thêm.

Cơn sốc thứ hai đến với chị là khi bác sĩ thông báo cụ thể tình hình bệnh và hỏi: việc điều trị cần 800 triệu, chị có đủ tiền hay không? Ngày chồng đưa đi khám bệnh, chạy làm xét nghiệm, chị và anh chỉ còn một triệu trong túi. Số tiền quá lớn khiến chị choáng váng, không đứng vững.

“Không bao giờ rời xa em”

Gần một năm đã trôi qua kể từ ngày phát hiện khối u ác tính, giờ đây ngồi trò chuyện với tôi sau khi đi truyền thuốc sinh học về, chị Trang đã có được nụ cười bình an. Chị bảo: “Tôi thật sự cám ơn đời, bởi dù bệnh tật, có nghèo khổ, nhưng tôi hạnh phúc hơn rất nhiều người, vì còn có một người chồng tuyệt vời. Anh thương và lo cho tôi hơn lo cho bản thân”.

Tỉnh lại sau cơn sốc đầu tiên khi biết mình đeo “án tử”, chị bắt đầu thu xếp cho chồng, cho con. Chị nói với anh: “Em không tròn bổn phận làm vợ anh, nếu anh có đi bước nữa, em cũng không phiền trách gì anh cả”. Chị gọi con gái lớn dặn dò: “Không ai lo cho vợ bằng chồng, cũng không ai lo cho chồng bằng vợ, nên sau này ba lấy vợ khác, con phải thương ba, đừng để ba cô đơn, hãy rộng lượng với ba”.

Trước lời dặn dò của chị, anh Trung không giữ được vẻ cứng cỏi, chỉ nức nở: “Tình nghĩa vợ chồng với nhau là ở lúc này, em đừng nói linh tinh nữa”. Con gái lớn cũng khóc, nói với mẹ: “Con sẽ để ba lập gia đình sau này, nhưng con xin ba đừng bỏ mẹ lúc này”. Hiểu nỗi đau cắt ruột cắt gan của vợ khi phải “trăng trối” trước như thế, anh Trung lặng lẽ đi xăm vào cánh tay trái dòng chữ: “Không bao giờ rời xa em”.

Để có tiền chạy chữa cho chị, anh không ngần ngại bán miếng đất, căn nhà ở Củ Chi mà cha mẹ cho anh ngày trước. Chị thủ thỉ: “Anh trích ra một phần tiền, mua căn nhà nhỏ, để sau này không có em, anh còn có chỗ mà ở”. Anh trả lời: “Không có em, anh ở đâu cũng được, để tiền mua thuốc cho em”.

Tất cả tiền bạc anh dồn vào lo cho chị. Nghe ai chỉ thuốc nào, đồ ăn nào tốt cho người bệnh ung thư, đắt đỏ mấy anh cũng mua. Hàng ngày anh đi chợ xách về túi lớn túi nhỏ, toàn thức ăn dành cho chị. Anh nấu nướng, ép nước rau củ quả, cho chị ăn. Những ngày chị mổ, anh lau gầm giường bệnh viện, trải chiếu nằm ngay bên dưới. Về nhà, anh cũng trải chiếu ngủ ngay dưới chân giường. Chị đi đâu anh cũng đỡ, cũng đứng canh, dù là đi vệ sinh. Chị xách cái giỏ anh cũng không cho.

Biết chị suy sụp tinh thần, anh làm mọi cách để chị vui. Bao năm sống chung, có bao giờ chị nghe anh hát. Thế mà anh tập hát karaoke. Cứ rảnh ra, xong việc nhà là anh bảo chị ngồi lại nghe anh hát.

Thấy chị nằm yên, chăm chắm nhìn trần nhà là anh xốc chị dậy, đưa chị đi chơi, mua sắm. Đi siêu thị, hễ thấy chị nhìn cái gì, có vẻ thích cái gì là anh lén mua cho chị.

Những khi chị buồn vì mặc cảm bệnh tật, anh lại hôn lên vết sẹo của chị để nhắc rằng tình cảm anh dành cho chị không những không thay đổi mà chỉ sâu đậm thêm.

Lần chị vào thuốc, bị sốc nặng, chân tay co giật, toàn thân cứng đờ, chị nói với anh: “Để em chết ở nhà, em không đi bệnh viện đâu”. Thế là anh cõng chị trên lưng, đưa chị tới bệnh viện cấp cứu. Tấm lưng ấm áp ấy đã giúp chị từng ngày vượt qua gian khổ, đau đớn.

Giữa chừng câu chuyện, chị kể miên man về anh, về hạnh phúc của mình, anh lại đi ra bếp lui cui xay ép nước trái cây cho vợ.

Tôi khen căn bếp nhỏ mà gọn gàng, sạch sẽ với những món đồ làm bếp đẹp, chị khoe: “Cũng là anh mua sắm từ khi mình bị bệnh đó”. Dừng lại giây lát, chị nói: “Bây giờ thì mình muốn sống lắm, muốn hơn bao giờ hết. Mình sẽ chiến đấu để giành lấy sự sống!”.


Theo Phụ nữ TP.HCM