Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:39
RSS

Hiểu như thế nào về quy định cấm bình luận xấu giáo dục?

Thứ ba, 07/05/2019, 15:46 (GMT+7)

Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ban hành Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên đã gây nhiều ý kiến trái chiều về thông tin cấm bình luận xấu giáo dục.

Trước thời điểm Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT về bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục có hiệu lực chính thức vào 28/5, hàng loạt ý kiến thắc mắc xung quanh quy định không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục của Thông tư này.

Cô Bùi Thu Hương (giáo viên cấp 1, tiểu học TS, TP.Thanh Hóa) cho biết quy định kể trên thực tế chỉ hạn chế việc tung các tin đồn, thông tin xấu trên mạng xã hội chứ không phải là cấm học sinh, giáo viên được lên tiếng trước những điều xấu, tiêu cực.

"Bản thân tôi thấy mạng xã hội có cả mặt xấu và mặt tốt, việc sử dụng như thế nào để nó mang lại lợi ích cho mình và xã hội là điều quan trọng. Quy định ứng xử kể trên theo tôi là tốt, vì nó hạn chế việc phát tán các thông tin sai sự thật, lan tỏa tâm lý tiêu cực trong ngành giáo dục", cô Hương nói. 

Em Vũ Thúy An (học sinh THCS Cầu Giấy - Hà Nội) cho rằng, việc học sinh chia sẻ các vụ việc nóng trên mạng xã hội là một nhu cầu bình thường. "Chúng em không phải chia sẻ là để lan truyền cái xấu, mà đó là cách để thể hiện quan điểm cá nhân của mình. Dĩ nhiên, việc chọn lọc thông tin là điều vô cùng quan trọng, những thông tin sai lệch, mù mờ, có tính một chiều thì không nên a dua chia sẻ". 

Hiểu như thế nào về quy định cấm bình luận xấu giáo dục?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa. Ảnh: Chinhphu.vn

Trước băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, thời gian qua, những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tác động tiêu cực của môi trường mạng đã dẫn tới một bộ phận thanh niên nói chung, học sinh nói riêng có ứng xử lệch chuẩn, một số giáo viên thiếu chuẩn mực trong ứng xử, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, tình trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến thể chất tinh thần học sinh, môi trường giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, quy định tại Điều 4 của Thông tư 06 nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu góp ý đó có cơ sở và mang tính chất xây dựng.

Ví dụ, sự việc một nữ sinh của Nghệ An tung tin xuyên tạc lên mạng về một nữ sinh khác (cùng trường) có bầu, sau đó một nhóm học sinh đến gặp học sinh tung tin để đánh bạn. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ của việc học sinh sử dụng mạng xã hội với mục đích tiêu cực và gây hậu quả nghiêm trọng.

“Môi trường giáo dục là môi trường giúp học sinh hình thành nhân cách nên luôn cần những ứng xử chuẩn mực, kể cả ứng xử trên môi trường mạng. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ cho học tập, giảng dạy, vui chơi, giải trí thì định hướng để giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội vào những việc tiêu cực là rất cần thiết” – thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN