"Trẻ em không phải cô dâu" là dự án truyền thông được các nghệ sĩ nổi tiếng như: Hari Won, H'Hen Niê, Công Tố, Minh Tít, Trung Ruồi, Mạnh Khang, Thanh Vân, Nguyên Nhật tham gia với vai trò đại sứ cùng các em nhỏ tại thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang).
Các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia vai trò đại sứ, lên tiếng bảo vệ trẻ em tránh vấn nạn tảo hôn.
Ngoài việc giúp đỡ các em nhỏ hiểu biết các kiến thức về giới, các kỹ năng quay phim, chụp ảnh, truyền thông… chương trình mong muốn các em trở thành những "đại sứ nhí" - những người giúp đỡ bà con và những người bạn của mình thêm hiểu biết, nhận thức không được cưới vợ, cưới chồng sớm so với quy định. "Trẻ em không phải cô dâu" cũng góp phần tạo không gian để gặp gỡ, giao lưu giữa các nghệ sĩ nổi tiếng với hàng ngàn người dân nơi đây. Thông qua các tiểu phẩm, trò chơi, những phần giao lưu, các tác phẩm truyền thông… để người dân huyện Quang Bình nói riêng, tỉnh Hà Giang và nhiều tỉnh miền núi nói chung có thêm nhận thức để phòng chống việc kết hôn sớm trước độ tuổi quy định.
Là người sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc, Hari Won chia sẻ: "Từ thời ông bà tôi ở Hàn Quốc còn có tảo hôn. Bây giờ, tôi không thấy nữa rồi. Tôi rất ngạc nhiên khi ở thời điểm này, Việt Nam vẫn còn có các em bé phải lấy vợ, lấy chồng sớm so với quy định. Chính vì thực tế đó đã thúc đẩy Hari Won cùng các đại sứ hành động, để bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn này".
Hari Won cũng là người rất nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong suốt thời gian cô trở thành đại sứ của tổ chức này.
Chương trình có sự xuất hiện của Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới H'Hen Niê. Cô lại một lần nữa truyền cảm hứng cho khán giả địa phương bằng cách thể hiện lại thông điệp từng nhấn mạnh trong cuộc thi sắc đẹp quốc tế vào năm 2018: "Tôi là một người con gái Ê Đê, có thể tôi đã lấy chồng từ khi 14, 15 tuổi như nhiều bạn bè mình, nhưng không tôi chọn cách khác. Tôi tự tin, tôn trọng bản thân và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình. Tôi làm được, các bạn cũng làm được".
Sau chia sẻ của cô, hàng ngàn người dân Quang Bình (Hà Giang) vỡ òa trong cảm xúc. Họ vỗ tay không ngớt thể hiện sự đồng tình với một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng của Việt Nam.
Các em nhỏ xem tranh tại triển lãm - một trong những hoạt động của chương trình "Trẻ em không phải cô dâu".
Cặp đôi diễn viên Minh Tít – Trung Ruồi gây chú ý với những tác phẩm web drama của mình. Hai nghệ sĩ đã trở nên rất gần gũi với các em học sinh dân tộc miền núi. Các bạn nhỏ địa phương rất thích thú với tiết mục kịch "Giữ gìn tình cảm trong sáng" mà 2 diễn viên đã thể hiện. Qua đó, họ kể câu chuyện có nội dung đề cập đến trẻ em nên có tình bạn trong sáng, không nên đi quá giới hạn và quyết định cưới sớm. Vở diễn đã làm cho không khí thị trấn Yên Bình trở nên sôi động hơn bao giờ hết với những chi tiết rất thú vị. Những thông điệp nhân văn đi kèm với tiếng cười không ngớt của bà con và trẻ em.
MC Công Tố, Mạnh Khang cùng nhấn mạnh trách nhiệm của người lớn chúng ta trong việc bảo vệ trẻ em: "Đối với việc tảo hôn, nó không chỉ diễn ra ở khu vực nông thôn, miền núi… nó cũng không phải chỉ xuất phát từ nguyên nhân hủ tục… Vì vậy, truyền thông rộng rãi, để chính các em nhỏ ở lứa tuổi vị thành niên, ý thức được giá trị của bản thân mình, xây dựng được mục tiêu lớn cho cuộc sống. Khi đó chúng ta mới đi đến tận cùng của vấn đề, để giải quyết vấn nạn tảo hôn".
Chương trình còn có sự góp mặt của Top 15 hoa hậu Việt Nam Thanh Vân với vai trò người dẫn chương trình và nhiếp ảnh gia Lê Nguyên Nhật - người đã thực hiện bộ ảnh truyền cảm hứng "Trẻ em không phải cô dâu".
Chương trình đã trao những giải thưởng cho các tác giả nhí với những tác phẩm truyền thông ý nghĩ của mình. Một trong những tác giả nhận được giải thưởng của chương trình là em Sìn Thị Liên (dân tộc Pà Thẻn) cho biết: "Em đã từng suýt chút nữa thì lấy chồng rồi. Khi được tham gia dự án "Trẻ em không phải cô dâu", em đã nhận thức được không nên kết hôn sớm. Điều đó sẽ dẫn đến những hệ lụy rất kinh khủng. Cho nên, em đã từ chối gia đình chồng tương lai, quyết định tiếp tục đi học. Em cảm thấy quyết định đó rất đúng đắn, bây giờ em thấy hạnh phúc, khi đủ trưởng thành em sẽ lấy chồng".
Các đại sứ cùng nhân dân huyện Quang Bình đã chung tay ký vào cam kết phòng chống tảo hôn, cam kết này sẽ được đặt tại GNI Quang Bình (tổ chức Good Neighbors International). Đây như một minh chứng cho việc nhận thức ngày càng nâng cao của người dân về việc không để trẻ em lấy chồng, lấy vợ khi chưa đủ tuổi.
Theo khảo sát của Ủy ban Dân tộc vào năm 2015, trong số 53 cộng đồng thiểu số ở Việt Nam, trung bình cứ 4 cuộc hôn nhân thì có một cặp là tảo hôn (26.6%); có tới 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 20%; đặc biệt 6 tộc người thiểu số có tỷ lệ này lên tới 50% - 60% là người Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay và Bru - Vân Kiều. Tình trạng tảo hôn cũng tập trung cao ở khu vực miền núi phía Bắc (mà Hà Giang nằm ở khu vực này) với tỷ lệ kết hôn trẻ em ở người Mông chiếm 33%, dân tộc Thái chiếm 23.1% và 15.8% các cặp vợ chồng người Mường. |