Thứ năm, 25/04/2024 | 20:17
RSS

Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn

Thứ bảy, 23/11/2019, 16:20 (GMT+7)

Trở lại cuộc sống mới với đôi chân cắt cụt, đã có lúc thầy Nguyễn Khả Tuyến tưởng như không thể cầm phấn theo đuổi đam mê nhưng rồi mọi thứ đã dần hồi sinh.

Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn
Người thầy giáo đứng bục giảng trên đôi ghế nhựa.

Nhớ lại khoảng thời gian những năm 2011 ai nhìn anh cũng lắc đầu thương cảm. Không chỉ là nỗi đau thể xác mà chính nỗi đau tinh thần có thể sẽ đánh gục anh. Sống lại còn khó nói gì việc quay trở lại cầm phấn, ai có thể giúp anh niềm tin để trở lại bục giảng?

"Đôi chân" trị giá 25 nghìn đồng

Tuyến hiểu suy nghĩ của mọi người. Với một người sống hướng ngoại, nhiều hoài bão và ước mơ như anh nỗi đau đó hoàn toàn có thể đẩy anh xuống đáy của sự tuyệt vọng. Nhưng cũng từ đó Tuyến quyết tâm học lại mọi thứ bắt đầu từ bước đi trên "đôi chân" mới.

Nói về đôi ghế nhựa thay chân, thầy Tuyến cười hóm hỉnh: "Đây là “phát minh vĩ đại” của tôi vì trước đó tôi chưa từng thấy ai đi lại bằng chiếc ghế nhựa như thế này. Mất hàng trăm triệu đồng mua chân giả ai ngờ "đôi chân" của mình chỉ có giá 25.000 đồng".

Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn
Đứng dậy vượt qua nghịch cảnh, thầy Tuyến bắt đầu bước đi trên đôi chân chẳng giống ai .

Đó là sự lạc quan, điều mà Tuyến có được sau khi đã vượt qua tất cả. Anh coi đó là "phát minh" mà đúng là phát minh bởi nhờ đó mà Tuyến đi lại được như những người khác. Ghế nhựa để ngồi và giờ ghế nhựa để đi lại và để khởi đầu cho mọi sự.

Việc đi lại coi như đã xong dù chẳng giống ai, lúc này Tuyến bắt đầu nghĩ đến việc đi làm mà xa xôi hơn là trở lại bục giảng. Đã hơn 1 năm anh gắn liền với giường bệnh và đã đến lúc anh phải bứt ra khỏi đó cả suy nghĩ lần hành động.

Lần trở lại...

Đó là cảm giác hoàn toàn khác biệt. Đồng nghiệp và học sinh chờ đợi và tò mò về sự trở lại của anh. Anh hiểu điều đó nhưng đây là lúc mọi thứ đã sẵn sàng với anh, anh phải trở lại để trả món nợ ân tình anh đã nhận trong hơn 1 năm qua.

Và thế là thầy Tuyến trở lại với công việc mới với công việc của một nhân viên hành chính.

“Mình cần thời gian để làm quen lại, ít nhất là làm quen với sự tò mò của đồng nghiệp, học sinh. Ban giám đốc sắp xếp cho mình làm ở phòng hành chính. Giờ nghĩ lại mới thấy đó là một sự sắp xếp hợp lý và đầy nhân văn. Mình sẽ không đủ tự tin để một bước lên bục giảng và công việc ở thư viện chính là nơi tốt nhất để mình dần lấy lại tự tin”, thầy Tuyến chia sẻ.

Thế rồi đồng nghiệp và học sinh Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Bình Xuyên từ lạ lẫm cũng đã dần quen với thầy Tuyến trong một hình ảnh mới, đầy cảm thông nhưng cũng đầy ngạc nhiên. Thầy Tuyến dần có mặt trong các hoạt động của nhà trường rồi hàng ngày trên “đôi chân” mới ấy anh lại miệt mài trong những công việc được giao để nuôi dưỡng đam mê cho những điều lớn lao hơn.

Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn
Anh vẫn luôn mong có ngày được viết tiếp ước mơ dang dở, được truyền lại cảm hứng sống cho học trò.

Trong đầu của người thầy đó đã có tất cả mọi tính toán cho sự trở lại. Đúng vậy, không thể một bước lên bục giảng, việc lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ.

Nhớ lại những ngày đó thầy Tuyến tâm sự: "Chẳng dễ dàng gì nhưng mình được nhà trường và đồng nghiệp hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều. Một lần nữa mình hiểu rằng phải cố gắng bằng mọi cách vì chỉ có như thế mới là cách trả ơn mọi người. Và rồi mình đã làm được".Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn

Sau một năm làm công tác thư viện, anh đã tự tin hơn trong mọi việc và anh biết đó cũng là lúc anh sẽ trở lại bục giảng để viết tiếp những ước mơ còn dang dở.

Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Bình Xuyên nơi thầy Tuyến có tới 2 lần bắt đầu công việc và gắn bó hơn chục năm qua .

Nguyện vọng của thầy Tuyến được Ban giám đốc đồng ý. Để giúp thầy đứng lớp Ban giám đốc đã sắp xếp cho thầy một phòng học có trang bị đầy đủ máy chiếu và các thiết bị cần thiết. Phòng ở ngay tầng 1 tiện lợi nhất cho việc đi lại của thầy.

Và thế là thầy Tuyến có lần đầu lên bục giảng sau tất cả mọi thứ tưởng chừng như không thể!

Cầm viên phấn trên tay thầy lại rưng rưng cảm xúc, bỗng thấy sao bản thân mình nợ cuộc đời quá nhiều. Đó cũng là lúc thầy thấy trách nhiệm của thầy bỗng lớn lao và vĩ đại. Thế rồi bài học đầu tiên, bài học thứ 2, thứ 3 lần lượt trôi qua trong những sự cố gắng đến khó tin của người thầy giáo phải di chuyển từng bước trên ghế nhựa và xe lăn.

Vậy mà thời gian trôi qua nhanh chóng, thấm thoắt cũng đã gần 8 năm kể từ ngày đầu đó, nhờ những bài giảng của thầy Tuyến biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành ngoài xã hội

Nhớ lại những bài giảng đầu tiên ấy thầy Tuyến lại dốc bầu tâm sự: “Ai cũng từng trải qua lứa tuổi học trò nên mình hiểu được, dù các em có cá biệt, ngỗ nghịch thì mỗi em học trò đều có một tố chất riêng và các em được tôn trọng cá tính của mình. Chỉ cần sự tâm huyết và gần gũi, mình hoàn toàn có thể cảm hóa và trở thành người lắng nghe, đồng hành cùng các em. Điều các em cần đầu tiên là trở thành người tử tế”.

Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn
 Chiếc xe đặc biệt đưa thầy Tuyến đến trường mỗi ngày.

Hơn ai hết, sau tất cả thầy Tuyến hiểu rõ điều đó nên không chỉ trên bục giảng, trong công tác chủ nhiệm với mỗi em học sinh thầy lại tìm hiểu rõ hoàn cảnh của các em để hiểu được các em từ đó chia sẻ, giáo dục. Từ cách làm này học sinh như đồng cảm và quý mến thầy hơn.

Mỗi tiết học, thầy Tuyến luôn cố gắng lồng ghép những tình huống thực tế cuộc sống để các em vận dụng vì thế bài học không còn khô khan và nặng nề về lý thuyết. Rồi câu chuyện của thầy cũng là nguồn cảm hứng cho các em để các em hiểu hơn những giá trị của cuộc sống.

"Trong suốt những năm qua mỗi học sinh mình đều nhớ vì không chỉ là học sinh, mình coi các em chính là những mảnh ghép đầu tiên cho mình có được sự trở lại tròn trĩnh hơn", thầy Tuyến rưng rưng.

Đánh giá về những nỗ lực của thầy Tuyến trong những năm qua, thầy Cao Thế Quang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Bình Xuyên cho biết: “Thầy Tuyến là một tấm gương nghị lực phi thường. Thầy luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác chủ nhiệm, ngoài ra còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa của trường. Sự nỗ lực và cống hiến của thầy cho chúng ta một bài học ý nghĩa, rằng không phải mất đi một phần cơ thể có nghĩa chúng ta sống một cuộc đời tàn phế. Nếu có nghị lực, có lý tưởng, chúng ta có thể sống tốt, sống đẹp cho đời”.

Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn
Thầy Cao Thế Quang - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Bình Xuyên.

Theo chia sẻ của thầy Quang, ở trường ngoài công tác chuyên môn thầy Tuyến còn được giao kiêm nhiệm nhiều việc khác của trung tâm và đặc biệt anh là cán bộ đi đầu trong các phong trào văn nghệ, các chương trình thể dục thể thao

Không thể trực tiếp chơi thể thao như thầy từng cống hiến cho khoa, cho trường thời đại học nhưng thầy Tuyến luôn là người tích cực trong các phong trào chung mà như thầy chia sẻ đó cũng là cách giúp mình nuôi dưỡng và sống lại những cảm xúc của một thời nhiệt huyết.

"Trong 2 năm gần đây thầy Tuyến luôn là cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, học sinh do thầy Tuyến ôn thi cũng đã có những em được tham gia đội thi học sinh giỏi tỉnh", thầy Quang cho biết thêm.

Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn
Nhìn nụ cười rạng rỡ ấy, chẳng ai tin thầy Tuyến đã trải qua biến cố cay đăng của cuộc đời.

Đó là những thành quả ngọt ngào mà bất kỳ người giáo viên nào cũng muốn có được. Với thầy Tuyến thành quả đó lại càng ý nghĩa hơn.

Ngoài kia thị trấn Hương Canh đang ngả dần xuống màn đêm, bên mâm cơm nhỏ của gia đình thầy Tuyến đang rộn ràng tiếng cười nói của những đứa con thơ. Nhìn hình ảnh đó ai cũng hiểu rằng sóng gió và giông bão đã hoàn toàn đi qua ngôi nhà đó và thứ còn lại chỉ còn là hạnh phúc.

 

An Khánh - Hồng Hạnh - Thu Chang
Gia Đình Việt Nam