Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:07
RSS

Hành trình chiến thắng tiểu đường thai kỳ của sản phụ 3 lần bị mất con

Thứ sáu, 13/07/2018, 07:00 (GMT+7)

Sản phụ đã trải qua 3 lần hỏng thai, đến lần mang thai thứ 4 chị đã vô cùng cẩn thận nhưng vẫn bị tiểu đường thai kỳ khiến chị vô cùng hoang mang, lo lắng.

Hành trình gian nan vượt qua bệnh tiểu đường thai kỳ

Dưới đây là chia sẻ về hành trình vượt qua bệnh tiểu đường thai kỳ của chị Lê Thị Hòa (Đống Đa, Hà Nội).

Suy sụp khi phát hiện tiểu đường thai kỳ ở tuần 28

Sau ba lần trục trặc tôi mới lại có thai. Rón rén giữ gìn, khi thai được 28 tuần, đi đăng ký khám, đăng ký sinh, bệnh án của tôi ghi: Tiểu đường thai kỳ. Kết quả test đường huyết lên đến 10,2, bác sĩ lạnh lùng kết luận: Nhập viện tiêm insulin! Tôi gần như suy sụp.

Trước đó, vì phải nằm nhà “treo chân” (theo đúng lời khuyên của bác sĩ: hạn chế đi lại vì cơ địa dễ sẩy thai, nghỉ ngơi tuyệt đối) nên tôi có rất nhiều thời gian đọc các tài liệu về 9 tháng thai sản. Cụm từ “tiểu đường thai kỳ” có sức uy hiếp mạnh mẽ đối với tôi. Trong một lần đi khám thai, tôi chết điếng khi nghe bác sĩ hoảng hốt thông báo với một bà mẹ có thai 32 tuần: không thấy tim thai hoạt động! Sau đó một tuần hỏi lại, bác sĩ bảo mẹ ấy đã mất con vì bị tiểu đường thai kỳ mà không phát hiện sớm.

Tất cả những tài liệu tôi đọc được đều cảnh báo: Tiểu đường trong thời kỳ mang thai sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con; người mẹ có nguy cơ phải mổ lấy thai; dễ bị tăng huyết áp, phù; trở thành bệnh nhân đái tháo đường týp 2, thai có khả năng bị chết lưu. Trẻ sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh (cao gấp 8 lần bình thường), hoặc mắc các bệnh vàng da kéo dài, hạ canxi máu, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết... Toàn những nguy cơ dễ gây đau tim đối với một bà mẹ hiếm muộn.

Ngay sau ngày nhận kết quả xét nghiệm đường huyết, tôi tìm đến Khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ trực sau khi xem hồ sơ, lạnh lùng kết luận: Nhập viện ngay, điều trị bằng tiêm insulin. Tôi suy sụp lần hai.

Vì theo dõi rất nhiều thông tin thai sản, tôi biết tất cả các thuốc nội tiết vào người mẹ trong chín tháng mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe em bé sau này. Đa số đều là ảnh hưởng xấu. Nhập viện điều trị, hơn nữa còn là một đòn tâm lý chí mạng đối với trường hợp của tôi.

Suốt hai mấy tuần mang bầu, mỗi lần đến cửa phòng khám, thấy thấp thoáng bóng áo bluose là tôi lại một lần tăng nhịp tim. Những thông báo đau đớn của ba lần sảy thai trước chưa lúc nào thôi ám ảnh tôi. Nhà lúc này lại neo người, tính trước tính sau đều thấy việc nhập viện là bất cập.

Hành trình gian nan, gặt hái trái ngọt

Hành trình gian nan vượt qua bệnh tiểu đường thai kỳ 2

Khi tôi đem tất cả những thắc mắc nói với một người em đang học nội trú ở Bạch Mai thì được khuyên: Tìm bác sĩ Bảy xem, vì bác sĩ Bảy thường có phương pháp điều trị “nhẹ tay” có thể hợp với những ca “sợ bệnh viện” như tôi.

Vậy là vợ chồng tôi đến gõ cửa bác sĩ Nguyễn Quang Bảy - Phó Chủ nhiệm Khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Bác sĩ Bảy xem kết quả xét nghiệm và nghe nguyện vọng của tôi, bảo tôi đi làm xét nghiệm HbA1C.

Hôm sau, tôi đem kết quả xét nghiệm HbA1C là 5,7 đến bệnh viện, bác sĩ Bảy cân nhắc bảo có thể cho phép tự điều chỉnh chế độ ăn tại nhà, nhưng phải tuyệt đối nghiêm khắc. Sau một tuần, nếu đường huyết ổn định là tốt nhất, còn không thì bắt buộc phải nhập viện.

Nói thêm, xét nghiệm HbA1C chính là để xác định xem bệnh nhân đã mắc tiểu đường lâu hay mới chỉ bắt đầu. Với chỉ số của tôi thì những rối loạn mới bắt đầu nên tạm thời cần điều chỉnh chế độ ăn uống trước, chưa cần thiết phải dùng insulin ngay. Tất nhiên, với hướng điều trị tiêm insulin mà vị bác sĩ trực đưa ra cũng không phải sai. Ngày nay, y học tiến bộ, người ta dự phòng để hạn chế thấp nhất mọi rủi ro thai sản.

Về nhà, tôi đem trường hợp của mình post lên mạng, thành lập hẳn một forum những người bị tiểu đường thai kỳ với mong muốn có thể nghe được những lời khuyên thực tế từ những người từng bị bệnh và chia sẻ với những trường hợp không may như mình.

Có nhiều người cùng cảnh ngộ hơn là tôi tưởng. Topic nhanh chóng kéo dài đến hơn 100 trang. Trong đó đa số mọi người chia sẻ thực đơn, cách tập thể dục và theo dõi đường huyết.

Vậy là hàng ngày tôi tự dùng máy đo đường huyết, thử máu của mình 4 lần. Trước khi ăn sáng và 2 giờ sau khi ăn sáng, trưa, tối. Danh sách tất cả những thức ăn đưa vào cơ thể tôi đều ghi lại tỉ mỉ. Hôm nào đường huyết cao thì hôm sau tôi thay đổi thực đơn ngay. Con số lý tưởng mà bác sĩ Bảy đưa cho tôi là đường huyết lúc đói nhỏ hơn 5,5, sau ăn 2 giờ là 6,7 - 7,8.

Bởi vì tôi không giống như những người bệnh tiểu đường khác, trong cơ thể của tôi đang có một cơ thể khác, vì vậy, để tránh tình trạng con bị suy dinh dưỡng, tôi chia nhỏ bữa ăn thành 6 bữa mỗi ngày. Cho nên dù mỗi bữa tôi chỉ được phép ăn một lưng cơm, một khúc cá quả rán hoặc vài miếng thịt, miếng nem, một bát nhỏ canh thì em bé trong bụng vẫn tăng cân đúng chỉ tiêu. Tôi loại bỏ hoàn toàn tất cả số sữa bà bầu, thay vào đó là sữa tươi không đường.

Khi thử máu hàng ngày mới biết, đây là loại sữa rất tốt, vừa cung cấp năng lượng, giàu canxi nhưng lại không ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết. Có ngày tôi uống sữa tươi thay nước. Và để đảm bảo cơ thể có đủ chất cho em bé, tôi uống thêm viên vitamin tổng hợp dành cho bà bầu. Hoa quả thì ưu tiên chuối tây (loại quả được khuyên dùng), bưởi, ổi, thanh long, kiwi, nước dừa (chỉ dùng 1/2 quả).

Riêng đối với nhóm tinh bột, tôi chủ động chỉ ăn hai lưng cơm mỗi ngày, thay vào đó bữa tôi ăn bún, miến, bữa ăn súp (chỉ có rau củ thì thịt nạc), bữa ăn bánh mỳ. Và một thao tác nữa vô cùng quan trọng đó là đi bộ 30 phút vào buổi tối. Hôm nào trời mưa hoặc quá mệt không đi bộ được thì y như rằng hôm đó đường huyết cao hơn.

Sau một tuần, tôi đem bảng kết quả theo dõi đến bác sĩ Bảy, bác sĩ xem xong hài lòng bảo: Cứ thế mà làm và từ nay trở đi không cần thử máu hàng ngày nữa, cứ 3 ngày mới cần thử một lần. Nếu thấy có gì bất thường mới cần thử liên tục.

Rất kỳ lạ, chỉ bằng một câu an ủi của bác sĩ, tinh thần tôi lên cao vùn vụt. Trái ngược hẳn với mỗi lần bác sĩ chau mày hoặc thở dài. Chẳng biết có phải vì trong thai kỳ nhạy cảm hoặc tôi bị yếu thần kinh nhưng những chuyện thế này ảnh hưởng đến tôi rất nhanh.

Hai tháng cuối thai kỳ trôi qua không đến nỗi nào. Và tôi chủ động xin mổ đẻ vào lúc thai được 38 tuần. Em bé nặng 3kg (số cân nặng được cho là hoàn hảo), hoàn toàn khỏe mạnh.

Sau đó tôi có test lại thì đường huyết đã trở lại bình thường. Thở phào nhưng về sau tôi vẫn hình thành thói quen ăn uống lành mạnh: bớt đường, bớt mỡ và vận động 30 phút mỗi ngày.

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose bất kỳ ở mức độ nào, bệnh có thể khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc phụ nữ mang thai. Bệnh có thể gây nên hậu quả với các nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của người mẹ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh sau khi được sinh ra. 

Đối với người mẹ, nguy cơ có thể gặp trong thời gian mang thai do bệnh tiểu đường là biến chứng tiền sản giật, sản giật, nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh non, đa ối; trong khi sinh có nguy cơ sinh khó do thai to toàn bộ hay từng phần với tỷ lệ phải phẫu thuật, mổ đẻ khá cao; sau khi sinh có thể có nguy cơ chảy máu sau đẻ, nhiễm khuẩn sau đẻ. 

Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh, nguy cơ có thể gặp là thai to gây đẻ khó, tăng khả năng bị sang chấn, tổn thương sau đẻ như liệt đám rối thần kinh cánh tay, gãy xương đòn gánh, tăng nguy cơ phải mổ đẻ; thai nhi có thể bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung, phì đại cơ tim...; trẻ sơ sinh có thể bị hạ glucose máu sơ sinh, hạ calci máu sơ sinh, đa hồng cầu, tăng bilirubin máu, bị hội chứng suy hô hấp cấp tính chu sinh, nhiễm khuẩn sơ sinh, tăng tỷ lệ tử vong chu sinh.

Phụ nữ mang thai nên được khám sàng lọc tùy theo từng đối tượng. Đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ thấp với tuổi thai 24 tuần cần làm xét nghiệm tăng đường huyết, nếu xét nghiệm tăng đường huyết dương tính nên khám chuyên ngành nội khoa kết hợp với thăm khám thai định kỳ. 

Đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ cao với cha hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường, thai phụ béo phì… thì trong 3 tháng đầu của thai kỳ cần xét nghiệm đường huyết, HbA1C và làm nghiệm pháp tăng đường huyết; đồng thời xét nghiệm lại lần thứ hai khi thai được 24 tuần tuổi hoặc 3 tháng giữa của thai kỳ và lần thứ ba vào 3 tháng cuối của thai kỳ; nếu xét nghiệm tăng đường huyết dương tinh nên khám chuyên ngành nội khoa kết hợp với thăm khám thai định kỳ.


Xem thêm Clip: Đậu đen rang: Bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường không biết sẽ phải hối tiếc

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN