Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:18
RSS

Hàng triệu người rơi lệ trước bức ảnh em bé tị nạn chết úp mặt xuống bùn

Thứ năm, 05/01/2017, 11:29 (GMT+7)

Bức ảnh một em bé 16 tháng tuổi người Myanmar chết úp mặt xuống bùn khi cùng gia đình đi tị nạn sang Bangladesh cùng gia đình đã khiến hàng triệu người rơi lệ.

Theo DailyMail, Mohammed Shohayet là một cậu bé 16 tháng tuổi người Myanmar, được cha mẹ mang theo trênh hành trình chạy trốn khỏi bang Rakhine (Myanmar) sang Bangladesh.

Những người Rohingya ở Myanmar cho biết họ đã bị đàn áp bởi quân đội Myanmar và buộc phải chạy trốn khỏi quê hương mà nạn hiếp dâm, giết người xảy ra đầy rẫy.

Cậu bé Mohammed Shohayet chết trên hành trình trốn chạy khỏi quê hương. Ảnh: DailyMail

Chiếc thuyền chở Mohammed cùng với mẹ và anh trai cậu bé đã bị chìm trong hành trình vượt qua sông Naf tới Bangladesh. Cơ thể của cậu bé được cuốn lên bờ, nằm lặng lẽ úp mặt xuống bùn tạo nên một bức tranh đầy ám ảnh.

Bức ảnh chụp bóng lưng lặng lẽ của Mohammed đã được so sánh với bức ảnh cậu bé tị nạn Aylan Kurdi năm ngoái. Kurdi bị chết đuối ngoài khơi bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi cùng gia đình chạy trốn khỏi Syria.

Bức ảnh cậu bé Mohammed Shohayet gợi nhớ lại cái chết của cậu bé Aylan Kurdi khiến cả thế giới phẫn nộ trong năm 2016. Ảnh: AFP

Cha của Mohammed Shohayet, ông Mohammed Zafor Alam đã đến Bangladesh an toàn. Trả lời báo chí, ông khẩn thiết kêu gọi thế giới quan tâm tới hoàn cảnh của những người Rohingya ở quê hương ông.

Ông nói với CNN : "Trong ngôi làng của chúng tôi, máy bay trực thăng liên tục nã súng. Những người lính Myanmar cũng nổ súng vào chúng tôi. Ông nội và bà ngoại của tôi đã bị thiêu đến chết. Cả làng chúng tôi cháy rụi bởi quân đội. Không có bất cứ thứ gì còn sót lại".

Khi tôi nhìn thấy hình ảnh con tôi chết như vậy, tôi cảm thấy mình thà chết đi còn hơn. Không có điểm tựa nào để tôi tiếp tục sống trong thế giới này. Tôi muốn cho cả thế giới biết rằng tất cả người Rohingya đang gặp nguy hiểm ở Myanmar".

Cộng đồng quốc tế đang tăng sức ép yêu cầu chính phủ Myanmar ra tay bảo vệ cộng đồng Rohingya.

Tuy nhiên, một ủy ban của chính phủ Myanmar vào tuần rồi đã ra báo cáo bác bỏ cáo buộc lực lượng an ninh nước này lạm dụng người Rohingya hoặc buộc họ rời khỏi đất nước.

Chính phủ Myanmar từ chối công nhận người Rohingya là một trong những dân tộc thiểu số của nước này. Thay vào đó mô tả họ như là người Bengal hoặc những người nhập cư bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh.

Hạnh Chi
Theo Đời sống Plus