Cụ thể, thông tin từ Bệnh viện Bà Rịa sáng 6/6 cho biết, đơn vị đang điều trị cho một trường hợp ngộ độc do ăn phải nấm độc. Bệnh nhân là anh H.V.Q. (39 tuổi, ngụ xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc).
Theo lời kể của anh Q., chiều 3/6, anh có hái nấm trong vườn của nhà hàng xóm và ăn sống ngay sau đó. Vài tiếng sau, anh cảm thấy choáng váng, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, tay chân run rẩy. Anh nằm ở nhà nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe
Đến sáng 4/6, do tình trạng không thuyên giảm, người nhà đã đưa anh vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. May mắn là anh Q. chỉ ăn một lượng ít nấm mọc từ xác ve sầu nên mức độ ngộ độc không nặng. Nhờ được hỗ trợ dinh dưỡng và điều trị triệu chứng, sức khỏe của anh đã tạm ổn. Tuy nhiên, tay chân vẫn còn run rẩy. Hiện anh Q. đang được điều trị và theo dõi sức khỏe tại Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk
Trước đó, vào ngày 3/6, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) tiếp nhận 6 bệnh nhân có các dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu. Các bệnh nhân này gồm: K.V.Đ (45 tuổi), T.H.T (51 tuổi), N.V.L (52 tuổi), L.N.R (41 tuổi), C.C.R (38 tuổi) và C.Y.H (11 tuổi, cùng trú xã Cư KBang, H.Ea Súp, Đắk Lắk).
Trong đó, 5 bệnh nhân lớn tuổi được cấp cứu, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, 1 bệnh nhi đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.
Thời điểm nhập viện, 3 bệnh nhân người lớn có tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, giật nhãn cầu, tay chân yếu không cử động được. Các bệnh nhân còn lại có biểu hiện nhẹ hơn, tỉnh táo, nói chuyện được nhưng yếu tay chân.
Bệnh nhân C.C.R. cho biết, những ngày qua, tại địa phương có nhiều người đào nấm mọc từ xác nhộng ve sầu để bán vì lầm tưởng là thức ăn bổ dưỡng như "đông trùng hạ thảo". Người thân trong gia đình bệnh nhân anh R. cũng đi đào được hơn mười cây nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu quanh nhà và nấu cho 5 người trong nhà ăn.
Khoảng 2 tiếng sau khi ăn thì anh R. cùng 2 người có biểu hiện bủn rủn chân tay, nôn ói, đau bụng, đi cầu lỏng nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Ea Súp và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị.
Người dân lầm tưởng nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu là "đông trùng hạ thảo" có lợi cho sức khỏe nên lấy về sử dụng. Ảnh: Báo VTV News
Trao đổi với Báo Thanh niên, bác sĩ Nguyễn Thiên Phúc - khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, việc người dân lầm tưởng nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu là "đông trùng hạ thảo" có lợi cho sức khỏe nên sử dụng là hết sức nguy hiểm.
Theo đó, loại nấm ký sinh trên vật chủ có thể gây độc cho con người. Ngộ độc nhẹ có thể gây ra tình trạng nôn ói, đi cầu lỏng, nặng hơn có thể gây tổn gan, thận, thần kinh gây hôn mê, thậm chí có thể gây tử vong.
Đặc biệt, hiện nay vùng Tây Nguyên đang vào mùa mưa, các loại nấm mọc rất nhiều, người dân đồng bào thiểu số có thói quen hái nấm về ăn mà không lường trước được những loại nấm độc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý ăn các loại nấm không rõ nguồn gốc, màu sắc sặc sỡ. Ngay cả những loại nấm thường xuyên ăn nhưng nếu có bất thường trên thân nấm cũng không được ăn.