Thứ bảy, 27/04/2024 | 05:23
RSS

Hàng chục tấn rác đổ thẳng xuống suối, chính quyền địa phương nói gì?

Thứ bảy, 22/07/2017, 19:20 (GMT+7)

Người dân xã Tân Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đang rất bức xúc vì bãi rác của xã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người.

Bức xúc vì cách xử lý rác thải “thủ công”

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh máy xúc đổ rác xuống suối với khối lượng lên tới hàng chục tấn. Theo lời người đăng clip, địa điểm xảy ra sự việc ở một con suối chảy về sông Lô cách đó khoảng 50m, nằm trên địa bàn thôn Vinh Quang, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang).

đổ rác xuống suối 1

Cảnh máy xúc đổ rác xuống suối khiến dư luận bức xúc. Ảnh Tiền Phong

Được biết, Tân Quang là xã đông dân cư, mỗi ngày có hàng tấn rác thải vận chuyển từ các tuyến phố về tập trung ở bãi rác của xã tại thôn Vinh Quang. Do đây là bãi rác thủ công, không có hệ thống xử lý chất thải, lại sát khu dân cư nên người dân trong khu vực phải hứng chịu sự ô nhiễm nặng nề về không khí, nguồn nước, dịch bệnh.

Chia sẻ với báo chí, chị N. (người đăng clip) cho biết, sự việc được chị ghi lại lúc 17h ngày 21/7. “Sự việc này diễn ra nhiều năm nay rồi, người dân địa phương cũng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền, họ bảo là đang tìm hướng giải quyết nhưng tôi nghĩ rồi đâu lại vào đấy cả thôi” – chị N. nói.

Theo lời chị này, khoảng 0h đêm qua, chủ tịch xã có gọi điện mong chị gỡ clip quay cảnh máy xúc đổ rác xuống suối nhưng chị không đồng ý. Chị N. cho biết thêm, bãi rác này tồn tại ở đây đã 11 năm với diện tích rộng trên 1.000 mét vuông.

Bãi rác nhỏ, lượng rác ngày một nhiều, không có hệ thống xử lý chất thải nên khi rác chất đống thành “núi”, đơn vị quản lý bãi rác lại xử lý hết sức “thủ công”, nếu vào mùa khô thì đốt, mùa mưa khi nước suối Cầu Quang lên cao thì thuê máy xúc ủi đống rác thải trực tiếp xuống suối.

ô nhiễm môi trường 2

Bãi rác gây ô nhiễm môi trường đã tồn tại nhiều năm khiến người dân khổ sở. Ảnh Nhân Dân

Ông Chương Thành Chiến, thôn Vinh Quang, nhà chỉ cách bãi rác khoảng 50 m cho biết: “Người dân xóm tôi phải chịu mùi hôi thối, độc hại từ bãi rác này bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa. Hằng ngày, nhà nào cũng phải đóng cửa im ỉm, đến bữa ăn cơm rất khổ vì ruồi nhặng. Từ người lớn cho đến trẻ nhỏ chịu ô nhiễm nên sức khỏe giảm sút”.

Ông Trần Văn Dũng, trưởng xóm Kết Đoàn, thôn Vinh Quang cho biết: “Cả xóm có hơn 40 hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng từ bãi rác. Người dân nơi đây đã nhiều có ý kiến với xã, báo cáo với chính quyền huyện về tình trạng ô nhiễm môi trường, nguyện vọng di dời bãi rác ra xa khu dân cư”.

Tuy nhiên ông Dũng cho hay, đến nay đã hơn mười năm rồi nhưng nguyện vọng của người dân vẫn chưa được giải quyết, người dân tiếp tục sống trong cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Chính quyền xã lên tiếng

Liên quan đến clip hàng chục tấn rác đổ xuống suối gây bức xúc dư luận, ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Tân Quang (huyện Bắc Quang, Hà Giang) cho biết, đã tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và trên mạng xã hội về việc này.

Theo ông Quang, bãi rác trong đoạn clip được phát tán trên mạng nằm trên địa bàn thôn Minh Quang và tồn tại gần 15-17 năm nay. Còn đoạn suối mà rác tràn xuống là suối Quang, đổ ra sông Lô.

do rac xuong suoi 4

Người dân cho biết đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết được. Ảnh PL+

"Đây là bãi chứa rác thải sinh hoạt của người dân địa phương. Sau khi tiếp nhận phản ánh UBND xã đã yêu cầu lực lượng chức năng vào cuộc xác minh chiếc máy xúc do đơn vị nào thuê, cào rác xuống suối với mục đích gì", ông Quang nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND xã Phạm Khắc Hoàng cho biết, bãi rác này đổ trên bờ nhưng không hiểu sao lại tràn xuống suối. Có thể do mấy hôm rồi mưa lớn, nước suối dâng cao vào vị trí bãi rác. Máy xúc không phải của UBND xã và xã cũng không thuê máy làm nhiệm vụ này” – ông Hoàng nói.

Vị Phó Chủ tịch xã cũng cho biết, hiện tỉnh Hà Giang và huyện Bắc Quang đang có phương án di chuyển bãi rác nói trên sang một thôn khác trên địa bàn xã. Kinh phí xây dựng đã được bố trí, bãi rác mới chuẩn bị được khởi công.

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN