Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:12
RSS

Quán bánh xèo 12.000 đồng, hút 200 khách/ngày và chuyện tình vượt định kiến của ông bà chủ

Thứ bảy, 22/07/2017, 15:52 (GMT+7)

Bánh xèo là món ăn dân giã thường thấy ở bất cứ nơi nào trên địa bàn Hà Nội. Và nếu bạn đặt chân tới quán bánh xèo này chắc chắn sẽ thật ngạc nhiên với món bánh cũng như cách phục vụ độc đáo của chủ quán.

Quán bánh xèo này nằm ở số 74 Cầu Đất (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi tới nơi này chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên bởi tuy nằm trong ngõ khá sâu song khách nườm nượp ra vào bất kể mưa nắng. Chủ quán này là chú Phạm Huỳnh Phước (66 tuổi) và vợ là cô Đoàn Kiều Dung (55 tuổi). Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là ở cách phục vụ độc đáo của chủ quán này.

Khởi đầu với 10 triệu đồng

Dọc đường Cầu Đất, có khá nhiều quán bánh xèo nhưng thu hút nhất vẫn là quán bánh xèo Sáu Phước ở số 74, chỉ vì tuy trời mưa nhưng vẫn có nhiều khách ra vào.

Theo chia sẻ của cô Dung thì hai vợ chồng cô mất 6 tháng để có một quán bánh xèo đông như hiện tại.

"Mỗi ngày cô chú đón trung bình khoảng 200 khách. Thậm chí, có những ngày có tới gần 400 khách, hai vợ chồng cô đến những nhân viên phải làm việc hết công suất để có thể phục vụ khách hàng nhanh nhất", cô Dung cho hay.

Quán bánh xèo cầu Đất

Quán bánh xèo cầu Đất luôn tấp nâp khách ra vào

Cô cũng cho biết, ban đầu hai vợ chồng bán ở số 3 Hàm Long nhưng vì một vài nguyên nhân nên phải chuyển ra đây: "Quán cũng mới mở lại thôi, vì cô chú phải sửa sang lại trước khi cho quay lại hoạt động".

Điều đặc biệt là - dù có một lượng khách khiến bao người ước ao nhưng số tiền khởi điểm mà vợ chồng cô dùng mở quán là 10 triệu đồng: "Ban đầu, khi biết cô chú có ý định mở quán bánh xèo nên con cho 10 triệu chứ thực tình vợ chồng cô cũng không có. Được cái lúc đầu mở quán là ở ngay căn nhà mà hai vợ chồng đang ở nên nhiều thứ đã có sẵn. Số tiền này cô chú dành để đầu tư vào nguyên liệu và sắm thêm một số thứ cần thiết".

Và vẫn một "điệp khúc" quen thuộc của những người khởi nghiệp đó là ban đầu luôn gặp phải những khó khăn nhất định. "Cô chú tuy không phải chịu khó khăn về vốn song lại gặp phải vấn đề không biết cách quảng bá món ăn, không biết làm thế nào để mọi người biết và thử món ăn của mình. Vì thế, cô chú quyết định dùng một phương pháp truyền thống và trực tiếp là làm ra rồi... mang đi mời mọi người xung quanh ăn thử", cô Dung chia sẻ.

Bà Đoàn Kiều Dung

Cô Đoàn Kiều Dung chủ cửa hàng bánh xèo

Sau đó, khi đã ăn thử, bánh xèo "hạ gục" những thực khách vì vỏ ngoài giòn tan kết hợp với phần nhân cùng rau sống ăn kèm. Tất cả hoà quyện với nhau tạo nên một hương vị rất riêng mang tên Sáu Phước.

Nhìn khách ra vào tấp nập, cô Dung cho biết bản thân rất vui vẻ và hạnh phúc. Bởi, vợ chồng cô đã từng phải bỏ tiền bù lỗ trong thời gian đầu tiên. Và, số tiền lãi đầu tiên mà hai vợ chồng bà nhận được khi kinh doanh bánh xèo là 600 ngàn. "Với số tiền ít ỏi này, vợ chồng bà sử dụng để đầu tư nâng cấp đồ đạc trong quán để làm sao mang tới cho khách hàng cảm giác thoải mái hơn khi ăn ở đây.

Ngoài cách quảng bá thì vấn đề nhân lực cũng khiến vợ chồng cô Dung phải "vắt óc suy nghĩ". Do các con đã có gia đình riêng nên khi mở quán chỉ có hai vợ chồng bà song hai người đều đã có tuổi.

Hơn nữa, thời gian đầu lại chưa có đủ tiền để thuê nhân công nên hai ông bà "lấy công làm lãi", khi chú Phước đổ bánh thì cô Dung chạy bàn, dọn dẹp. Ngược lại khi cô Dung đổ bánh thì chú Phước lo khâu phục vụ.

quán bánh xèo

Chẳng kể mưa nắng, quán bánh xèo này vẫn tấp nập khách ra vào

"Rồi trời cũng thương tình, để vợ chồng cô "ăn nên làm ra" nên chỉ 3 tháng sau cô chú đã có lãi hàng tháng là 7 triệu sau khi khấu trừ tất cả các khoản từ nguyên liệu đến nhân công", bà Dung chia sẻ.

Thế nhưng, đúng lúc này hai vợ chồng cô lại gặp phải khó khăn mới. Những người trong gia đình bắt đầu ganh ghét, tỏ thái độ khó chịu. "Đây là điều mà cô chưa bao giờ nghĩ tới bởi trước đó khi vợ chồng cô mới mở quán, mọi người còn thương và thường đến quán ăn ủng hộ, cho nên lúc mọi người có thái độ như thế, cô rất sốc". cô Dung cho hay.

Từ những ngày đầu bập bõm tập kinh doanh, vợ chồng Sáu Phước phải đi hết quán này tới quán nọ để học hỏi và tìm kiếm hương vị riêng, rồi gặp cả những bất trắc trong gia đình. Nhưng, hai con người ấy chưa từng có ý nghĩ bỏ cuộc, họ chỉ biết không ngừng cố gắng và nỗ lực, hướng tới điều tốt nhất. "Làm ăn lương thiện thì trời sẽ thương", đó là câu nói cô Dung thường hay nói nhất trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Quán bánh xèo 12.000 đồng

Tuy đã bước vào giai đoạn tuổi già nhưng vợ chồng ông chủ quán bánh xèo Sáu Phước chưa từng nghĩ mình sẽ lệ thuộc vào ai. Cô Dung cho biết, hai vợ chồng cân nhắc mở quán bánh xèo cũng là bởi không muốn phải nhờ vả hay dựa dẫm vào con cái.

"Mặc dù nuôi cha mẹ lúc tuổi già là nghĩa vụ của con nhưng chúng còn có gia đình, còn rất nhiều thứ phải lo. Mà mình thì tuổi này vẫn còn có thể lao động, vậy thì tại sao mình không làm gì mà phải nhờ con?" - chính câu hỏi này là nguyên nhân khiến ông Phước quyết định cùng với vợ mở quán bánh xèo.

cách ăn bánh xèo đúng

Ông Phước đang chỉ cho một thực khách cách ăn bánh xèo đúng

Đến với quán bánh xèo này bạn chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên khi quán dù nằm sâu trong ngõ nhưng khá thoáng và rất sạch sẽ. Hơn nữa, cách phục vụ ở đây cũng khiến những người lần đầu đến như chúng tôi "mắt chữ O mồm chữ A" bởi ngay khi đặt chân váo quán, đích thân chú Phước ra đón và chỉ chỗ để xe.

Khi khách ăn, chủ quán sẽ tiếp tục đứng quan sát và hỏi có cần gì thêm chứ không đợi tới khi khách hỏi. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là chú Phước còn trực tiếp dạy khách cách ăn bánh xèo thế nào để hương vị hoà quyện vào nhau một cách hoàn hảo nhất.

Chị Trần Ngọc Quỳnh (Kim Giang, Thanh Xuân) cho biết: "Mình ăn ở đây lâu rồi, từ ngày mà quán còn ở số 3 Hàm Long. Đợt trước mỗi khi muốn ăn mình phải gọi điện tới đặt trước, nhất là vào thời điểm trưa và tối.

Lần đầu tới đây mình cũng sốc lắm vì chưa từng gặp nơi nào sạch sẽ, thoáng mà thái độ phục vụ lại tốt như thế. Thậm chí, chú Sáu Phước còn cuốn giúp mình dạy mình biết bánh xèo nên ăn như thế nào để ngon miệng và không bị ngán. Mình chưa từng gặp nơi nào có thái độ phục vụ tốt hơn ở đây, mà giá thì vô cùng rẻ".

Nhìn một lượt menu, chúng tôi nhận thấy quán chỉ gồm bánh xèo, nem lụi và một vài loại nước rất... vỉa hè. Giá của mỗi chiếc bánh xèo chỉ 12.000 đồng với phần nhân gồm tôm, thịt băm, giá đỗ. Khi được hỏi tại sao lại có mức giá này, cô Dung chỉ cười và nói: "Như thế là đủ rồi".

danh sách món ăn

Nhìn vào menu, nhiều người vô cùng ngạc nhiên vì món bánh xèo chỉ có giá 12.000 đồng

Với chú Phước, điều quan trọng nhất trong kinh doanh là cái tâm, người đàn ông ấy vẫn luôn tâm niệm "đuổi 100 người dễ gấp 10 lần giữ chân 1 người". "Mình phải làm sao để khách đến rồi quay lại chứ đừng để khách ăn rồi đi luôn, chẳng bao giờ quay lại nữa", ảo tuật gia này cho biết.

Để giữ chân khách hàng, chú luôn căn dặn nhân viên của mình: "Làm phải có tâm, phải đặt hết tâm tư, tình cảm từ khâu làm bánh cho tới khâu phục vụ. Hãy mang tới cảm giác miệng và thoải mái thông qua cách phục vụ. Và hãy luôn nghĩ rằng mình đang làm bánh cho bản thân, cho gia đình, chỉ như thế người ta mới muốn quay lại và tưởng thức".

Phía sau quán bánh xèo đông khách là câu chuyện cuộc đời cay đắng của nghệ sỹ

Theo lời kể của cô Dung thì chú Phước từng là một diễn viên, một ảo thuật gia đi khắp Đông Tây Nam Bắc. 

Chú Sáu Phước quê ở Tiền Giang. "Khi ra Bắc chú không có một thứ gì trong tay, tất cả là nhờ có sự giúp đỡ của anh em trong nhà văn hóa Trung ương giúp đỡ nên chú mới có thể sống ở đất này", chú Phước chia sẻ,

vợ chồng ông sáu Phước

Vợ chồng Sáu Phước tuy chẳng có giấy hôn thú song vẫn hạnh phúc vẹn đầy

Khi đó, chú Sáu Phước và cô Dung cùng sinh hoạt chung ở đây. Cô Dung phụ diễn cho anh em trong đoàn, bởi thế nên lâu dần cả hai nảy sinh tình cảm với nhau.

Tuy nhiên, chuyện tình yêu của 2 người cũng chẳng dễ dàng gì, chú Phước cho biết: "Bố của cô nhà chú vốn là hiệu trưởng trường Bưởi cũ (nay là trường Chu Văn An), bởi thế nên khi biết con gái có tình cảm với chú - người đàn ông đã từng có vợ con thì gia đình ngăn cản, nhất định không đồng ý".

Sau đó cô Dung nhất quyết đòi lấy chú Phước mặc dù chẳng hề có giấy hôn thú. Đám cưới của 2 người cũng chỉ vỏn vẹn có 2 người trong nhà văn hóa Trung ương chứng kiến.

Nói về chuyện này chú Phước cho biết: "Thật ra chú không hề quan tâm tới giấy hôn thú, miễn sao cả hai cảm thấy thoải mái, hạnh phúc là đủ. Đám cưới làm to nhưng chẳng sống được với nhau thì có được gì. Đăng kí kết hôn cũng chỉ là một tờ giấy mà thôi, khi hai người đã hạnh phúc thì còn ai để tâm tới tờ giấy ấy nữa".

Ông Phạm Huỳnh Phước

Chữ Đạo luôn được chủ quán bánh xèo tâm niệm và thực hiện

Với tâm hồn phóng khoáng của một người nghệ sỹ, cuộc sống với chú cũng rất nhẹ nhàng. Những người tới nơi này chắc chắn sẽ chẳng thể bỏ qua chữ "đạo" được ông treo ngay gần lối ra vào. "Mình sống sao không hổ thẹn với bản thân, với người xung quanh, sống là phải biết đạo lý", chú cho biết.

Hơn nữa, chuyện kinh doanh đến với người nghệ sỹ già cũng thật tình cờ. "Đó là vào một ngày nắng đẹp, nhìn con cái bận rộn, chú chợt nghĩ tại sao mình không làm gì đó để vừa giúp ích cho mình, cho đời, để xứng với chữ đạo mà mình vẫn luon tâm niệm. Chú bán bánh nhưng chưa từng nghĩ tới doanh thu, lợi nhuận cũng vì điều đó", chú Sáu Phước tâm sự.

Hướng dẫn làm bánh xèo. Nguồn: Feedy VN

 

Q.N
Theo Đời sống Plus/GĐVN