Theo phản ánh của hàng chục hộ dân thôn Nhân Trai, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, khu đất 3,5ha mà ông Bùi Hữu Tám, SN 1960 (cùng thôn) đang sử dụng có 2,3ha thuộc đất các hộ trong thôn cho ông Tám thuê canh tác, 0,2ha đất cơ sở của thôn giao trông coi. Còn lại gần 1ha là đất khác.
Cũng theo phản ánh này, phần diện tích 2,3ha đất ông Tám thuê từ 63 hộ trong thôn Nhân Trai vốn là đất ruộng sâu trũng, dùng để cấy lúa và là đất nông nghiệp giao lâu dài. Tuy nhiên, từ khi ông Tám thuê, toàn bộ phần đất này bị phá vỡ vì phải tôn tạo làm kè cứng nuôi trồng thủy sản và dựng nhà ở trông coi đầm.
Một nửa diện tích đất ruộng của người dân cho ông Tám thuê hiện chưa đòi được
Theo hợp đồng cho thuê giữa các hộ dân thôn Nhân Trai với ông Bùi Hữu Tám ký năm 2006, thời hạn hợp đồng sẽ chấm dứt hết năm 2014, trong đó, mục đích thuê thể hiện: "Nuôi trồng thủy sản hoặc mô hình VAC". Theo đó, mỗi năm ông Tám phải trả cho người có ruộng (cho thuê) là 40kg thóc/sào/vụ (một năm 2 vụ)". Việc ký kết giữa các hộ có ruộng với ông Tám được thực hiện trước sự chứng kiến của cơ sở thôn.
Đến năm 2020, khi biết thông tin ông Tám hợp tác với người khác để cùng canh tác phần đất trên nhưng không thông qua với bên cho thuê khiến các hộ dân bức xúc.
Sau khi ký thuê, ông Tám đã kè bờ nuôi trồng thủy sản và làm nhà trông coi đầm
Bà Bùi Thị Quy, 62 tuổi ở thôn Nhân Trai cho biết: "Gia đình tôi có 2,1 sào ruộng cho ông Tám thuê từ năm 2006 đến hết năm 2014 hết hạn. Suốt nhiều năm nay, chúng tôi đến đòi lại ruộng nhưng ông Tám không chịu trả, thậm chí cả 40kg thóc như đã giao ước, ký kết trước đó cũng không và tuyệt nhiên không một lời giải thích".
Theo lời anh Bùi Tiến Vỹ - con trai trưởng bà Bùi Thị Thêm trong thôn Nhân Trai, khi gia đình đòi lại đất ruộng vì hết hạn hợp đồng, ông Tám đã đưa ra bản hợp đồng khác, ghi rõ người ký cho thuê là bà Bùi Thị Thêm trong khi bà đã mất từ năm 1996. Từ đó, anh Vỹ cho rằng, ông Tám đã có hành vi gian dối, chây ỳ trong việc trả lại đất ruộng đã thuê của nhà anh và các hộ khác.
Không chỉ riêng anh Vỹ, rất nhiều người dân nghi ngờ ông Tám đã sang nhượng ruộng thuê cho người khác bởi gần đây, khu đầm ao này xuất hiện người lạ tới trông coi, canh tác.
Trước những phản ánh trên, ông Bùi Hữu Tám giãi bày, thời gian gần đây ông bị tai biến phải điều trị, bản thân vợ ông cũng bị ốm nên khhông đảm đương được công việc ngoài đầm. Do đó, ông Tám bảo cháu ruột tên Tiền đến trông coi, sản xuất thay mình. Ông Tám cũng khẳng định, không có việc chuyển nhượng như các hộ dân phản ánh.
"Về chi trả sản lượng cho dân theo hợp đồng ký kết (40kg thóc/sào/vụ, thời điểm khó khăn là 30kg), tôi vẫn thực hiện đều đặn. Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2020, do các hộ dân kéo ra đòi ruộng, chặt hết cây cối nên gia đình tôi không trả sản lượng cho họ nữa".
" Về hợp đồng ký kết giữa tôi với dân, tôi đã cung cấp hết lên xã. Giờ, dân đòi ruộng, tôi sẽ trả nhưng riêng 38 hợp đồng ký lần 2 có thời hạn đến năm 2029, 2044 nếu họ muốn lấy về cho ai khác vào làm thì phải bồi thường công lao cải tạo, xây dựng, quật lập cho gia đình tôi. Nếu dân lấy về nhưng cho anh Tiền thuê lại thì không phải bồi thường gì cả" – ông Tám nói
Để làm rõ sự việc, 63 hộ dân đã làm đơn gửi chính quyền địa phương vào cuộc giúp đỡ.
Theo đó, giữa tháng 1/2021, UBND xã Đại Hà đã thành lập 2 tổ công tác đến nhà 38 hộ dân có hợp đồng ký cho ông Tám thuê để xác minh và lắng nghe nguyện vọng của các hộ.
Kết quả cho thấy, trong đó 17/35 hộ xác nhận đã tự ký hợp đồng lại với ông Tám, 15 hộ khẳng định chữ ký trong hợp đồng không phải của mình và 3 hộ còn lại không nhớ rõ. Hầu hết các hộ được lấy ý kiến đều không muốn cho ông Tám tiếp tục thuê ruộng.
Về sự việc trên, ông Phạm Đức Tô – Chủ tịch UBND xã Đại Hà cho biết: Chính quyền xã Đại Hà đã tiến hành rất nhiều cuộc họp, hòa giải, lắng nghe ý kiến của các bên liên quan nhưng đến nay sự việc chưa được giải quyết dứt điểm. Phía người dân muốn nhận lại ruộng, muốn ông Tám hoàn trả lại mặt bằng đối với khu vực đã kè cứng đào đầm nuôi trồng thủy sản. Còn phía ông Tám lại đòi những người còn hợp đồng phải bồi thường cho ông vì đòi ruộng trước thời hạn – phá vỡ hợp đồng. Trong thời gian này, xã tăng cường vận động, lắng nghe, tuyên truyền thuyết phục hai bên giải quyết vụ việc việc dứt điểm trên tình thần hòa giải.