Mới đây Sở giao thông vận tải Hà Nội vừa công bố cuộc thi “Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Điểm đặc biệt nhất của cuộc thi lần này là tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, giải Nhất sẽ nhận 200.000 USD (tương đương với hơn 4 tỷ đồng), giải Nhì nhận được 100.000 USD (tương đương hơn 2 tỷ đồng). Ban tổ chức sẽ hỗ trợ 25.000 USD cho mỗi bài thi có đầy đủ hồ sơ, chất lượng.
Tắc đường được nhiều người xem là "đặc sản" của thủ đô. Ảnh: Quỳnh Anh
Thông tin trên đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, tuy nhiên, những tiêu chí ban đầu về đối tượng dự thi sẽ khiến nhiều người có tâm huyết với giao thông Thủ đô sẽ không có cơ hội tham dự.
Cụ thể, theo thông báo do Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện ban hành về thể lệ cuộc thi, hồ sơ năng lực của tổ chức tư vấn phải có văn bản liên quan đến tư cách hoạt động tư vấn thiết kế lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch.
Bản khai năng lực tổ chức, cá nhân phải nêu rõ tên, địa điểm các công trình đã tham gia thiết kế, đã xây dựng.
Điều kiện năng lực đối với tổ chức tư vấn thiết kế là Hạng 1, còn đối với năng lực cá nhân là phải chủ trì thiết kế xây dựng công trình Hạng 1.
Mẫu phiếu đăng ký thi tuyển ý tưởng, đơn vị đăng ký phải cam kết đảm bảo đầy đủ điều kiện hành nghề tư vấn thiết kế giao thông vận tải theo quy định pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm chuyên môn phù hợp với chức năng và quy mô dự án.
Thời hạn, nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 19 – 23/1.
Cuộc thi tìm giải pháp chống ùn tắc ở thủ đô vẫn còn nhiều quy định không được hợp lý. Ảnh: Quỳnh Anh
Ngày 14/1, trao đổi với PV Đời Sống Plus trước câu hỏi: “Những quy định về chuyên môn đối với các ứng viên liệu có phù hợp với 1 cuộc thi có tính chất mở”?
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, quy chế cuộc thi yêu cầu phải là các tổ chức tư vấn thiết kế có kinh nghiệm chuyên môn.
“Nội dung và khối lượng công việc phải giải quyết và đề xuất là rất lớn, nên một cá nhân không thể giải quyết được mà cần một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, có năng lực và kinh nghiệm mới có điều kiện thực hiện và tham gia”, ông Viện giải thích.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, việc hạn chế đối tượng tham gia sẽ làm giảm đi các ý tưởng sáng tạo đóng góp của người dân. Ông Viện giải thích: “Việc đưa ra tiêu chí đối với các ứng viên tham gia cuộc thi ngược lại sẽ giúp chất lượng cuộc thi cao hơn, những ý tưởng cũng thiết thực hơn”.
Thông báo do Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội ban hành về thể lệ cuộc thi hẳn sẽ khiến nhiều người dân có tâm huyết với giao thông thủ đô hụt hẫng.
Anh Nguyễn Mạnh Thăng (kiến trúc sư) cho biết: “Thật sự rất thất vọng, từ khi biết đến ý tưởng này, mình và một số người bạn đã rất háo hức.
Việc giới hạn thành phần tham dự sẽ làm giảm chất lượng cuộc thi. Ảnh: Quỳnh Anh
Tuy chưa có kinh nghiệm nhiều trong những cuộc thi có quy mô như này nhưng mình nghĩ những ý tưởng táo bạo, đột phá của giới trẻ biết đâu sẽ tạo nên một diện mạo mới cho giao thông thủ đô”.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, đây là cuộc thi ý tưởng thì nên mở rộng để nhiều đối tượng có thể tham gia, sau đó sẽ chọn lọc những ý tưởng để nghiên cứu thành dự án. Việc hạn chế đối tượng tham gia sẽ làm giảm đi các ý tưởng sáng tạo đóng góp của người dân, chuyên gia.
Cùng chung quan điểm về việc này, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội tổ chức cuộc thi thể hiện tinh thần cầu thị của lãnh đạo thành phố.
“Là người dân sống tại Hà Nội, ai cũng muốn góp sức mình cho thành phố. Nhiều người có chuyên môn, kiến thức mong muốn đóng góp mà chẳng cần giải thưởng.
Tổ chức tìm ý tưởng rất hay nhưng làm không khéo có thể thành cuộc đấu thầu, hoạt động maketing. Có những phát minh, ý tưởng chỉ nửa trang giấy là đủ thay đổi”, ông Hùng cho biết.