Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:12
RSS

Hà Nội sắp đổi mẫu giấy đi đường, chưa triển khai đã thấy phiền toái!

Thứ bảy, 04/09/2021, 11:55 (GMT+7)

Sau ngày 6/9, dự kiến có 6 nhóm đối tượng được lực lượng chức năng xét duyệt hồ sơ, cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, việc thủ tục để được cấp giấy đi đường có thể gây phiền toái cho người dân, phiền hà cho chính lực lượng chức năng.

Như Dân Việt đưa tin, trước đó, Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội vừa ký văn bản hỏa tốc số 6445, gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn liên quan việc triển khai phần mềm "Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện".

Công an TP.Hà Nội đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp, kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho đối tượng đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR code trên địa bàn TP.Hà Nội.

Dự kiến có 6 nhóm đối tượng được lực lượng chức năng xét duyệt hồ sơ, cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến người dân, chuyên gia, luật sư tranh cãi về việc thủ tục để được cấp giấy đi đường. Họ cho rằng các thủ tục này là rối rắm, trải qua nhiều bước gây phiền toái cho người dân.

Thủ tục loằng ngoằng, mất thời gian chờ xin giấy đi đường

Ông Hà Quang Hậu, 54 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đọc được thông tin về việc dự kiến cấp giấy đi đường mới trên phương tiện truyền thông ngày 3/9.

Điều ông Hậu băn khoăn là việc giao cho lực lượng công an cấp giấy đi đường sẽ khó tránh khỏi tình trạng dồn ứ, quá tải, thậm chí là rối loạn trong những ngày đầu.

Ông Hậu hiện đang làm việc trong một công ty cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu ở quận Thanh Xuân, thuộc nhóm 6, đối tượng được cấp giấy đi đường.

"Đối với nhóm 6, về quy trình có 4 bước, tôi thấy về quy trình như vậy là chưa thực sự ổn, vì phải trải qua nhiều bước, rối lắm, gây phiền toái cho người dân. Chưa kể, lực lượng cảnh sát khu vực, công an mỗi ngày sẽ phải tiếp nhận hàng nghìn bộ hồ sơ thì làm sao có thể xử lý kịp, trong khi các anh đang phải xử lý rất nhiều công việc", ông Hậu nói.

Ông Hậu cho rằng, hiện nay, Hà Nội đã phân các vùng đỏ, cam, xanh, vì vậy, vẫn có thể sử dụng giấy đi đường đã được cấp trước đó, không nhất thiết phải cấp lại mẫu giấy khác.

Cái cốt lõi là Hà Nội đã phân vùng rồi, chỉ cần lực lượng chức năng, siết chặt việc kiểm tra ở các chốt, tại các tuyến đường là phù hợp.

Công an Hà Nội kiểm tra giấy đi đường của người dân lưu thông trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội Ảnh: Nguyễn Chương.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn Phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, việc Hà Nội ban hành chính sách, văn bản để hướng dẫn người dân về giấy đi đường là cần thiết. Tuy nhiên, chính sách đó khi đi vào thực thi phải phát huy được hiệu quả, đơn giản, không gây phiền hà cho người dân.

Luật sư Bình băn khoăn, hiện nay việc cấp giấy đi đường của Hà Nội là căn cứ vào nơi ở hay nơi đóng cơ quan (tình trạng này rất phổ biến vì nhà ở một quận, cơ quan lại quận khác).

Rồi giấy đi đường đã được cấp thẩm quyền cấp duyệt bỏ đi hay hay vẫn còn hiệu lực cho đến khi được cấp giấy mới; Thời gian cấp giấy mới là bao lâu; Trong thời gian chưa có giấy mới thì đi lại xử lý việc cần thế nào? Nhà ở cư trú và địa chỉ theo hộ khẩu thường trú phân biệt kiểu gì và áp dụng ra sao?

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn Phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Như vậy, theo luật sư Bình, nếu việc cấp giấy đi đường vẫn không kiểm soát được, mục tiêu kiểm soát dịch sẽ khó đạt được hiệu quả cao lại lãng phí nhân lực, vật lực cho một lần đổi mẫu giấy đi đường.

Cần nâng cao ý thức chống dịch thay vì đưa ra các giải pháp nhất thời!

Ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Đại biểu Quốc hội cho biết, vấn đề quan trọng lúc này là tăng cường ý thức trách nhiệm, ý thức pháp luật thực hiện các biện pháp an toàn từ điểm dân cư, các nơi dễ tập trung đông người chứ không phải tập trung vào quản lý giấy đi đường.

Như vậy có nghĩa là phải đưa ra được các biện pháp dài hơi trong phòng chống dịch, thậm chí bây giờ chống dịch không được cực đoan.

"Thủ tướng đã nói bây giờ chúng ta phải sống chung với dịch, có nghĩa chúng ta phải tổ chức các biện pháp để phòng chống dịch ngay trong các gia đình cũng như ở công sở…chứ không phải là câu chuyện đi đường hay không đi đường" ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo vị này, đi đường là một câu chuyện rất bình thường, nếu chúng ta cản trở việc này, thậm chí gây ách tắc, gây ra các tụ điểm trong quá trình thực hiện chính sách, kiểm tra giấy tờ sẽ có nguy cơ xảy ra tiêu cực như lây nhiễm chéo… thì hậu quả còn ghê gớm hơn rất nhiều so với những vấn đề khác.

"Theo tôi giấy đi đường là không cần thiết nên giao cho ai thực hiện cũng không cần thiết, thậm chí có nguy cơ sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề khác mà chúng ta chưa hình dung được. Bản thân việc cấp giấy đi đường đã ách tắc rồi chứ chưa nói việc kiểm tra trên đường.

Như vậy, cả khâu đầu và khâu cuối đều có vấn đề nên người dân mới cảm thấy bức xúc. Vấn đề quan trọng là phải nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức phòng chống dịch chứ không phải là thực hiện các biện pháp cực đoan" ông Nhưỡng cho biết thêm.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Trung tâm Báo chí Quốc hội

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cũng cho rằng, đối với vấn đề quy định lại về việc cấp giấy đi đường ông cho rằng vẫn chưa hợp lý, chưa khả thi.

Quy định, hướng dẫn có những nội dung khó hiểu, dẫn đến áp lực cho người dân, doanh nghiệp và quá tải đối với cơ quan chức năng trong việc cấp giấy đi đường.

Theo dự kiến quy trình cấp giấy đi đường có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an thành phố.

Trong khi đó, đối tượng được phép đi lại theo Chỉ thị 16 tại Hà Nội là 6 nhóm, nếu để hai đầu mối này cấp giấy đi đường khả năng sẽ quá tải, chậm trễ dẫn đến khó khăn cho công dân, doanh nghiệp và quá tải về công việc đối với chính cơ quan Công an.

Với số lượng người được phép ra đường như hiện nay rất nhiều, khi quá nhiều người gọi điện và liên hệ qua email của cơ quan chức năng, các đầu mối tiếp nhận thông tin và xem xét cấp giấy hiện tượng quá tải hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo ông Cường, để giảm thiểu số người ra đường thì đơn giản nhất là hạn chế số người được phép hoạt động trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16 thay vì việc gia tăng các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phức tạp cho việc cấp giấy ra đường, ảnh hưởng đến cả cơ quan chức năng và người dân trong việc thực hiện thủ tục này.

"Nếu chúng ta không tìm được ra nguyên nhân, không chỉ đúng nguyên nhân thì mọi biện pháp đều sẽ không mang lại hiệu quả.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường, khó dự báo khiến các giải pháp phòng chống dịch bệnh cần phải khoa học hơn, chặt chẽ hơn, sớm hơn nên chính quyền các địa phương cần phải lắng nghe ý kiến của người dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học để có những giải pháp tích cực nhất", luật sư Cường nói.