Ảnh minh họa.
Mới đây, theo báo Dân trí thông tin, TP.Hà Nội lập đề án phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam và Văn Miếu - Quốc Tử Giám, riêng phố quanh hồ Ngọc Khánh dự kiến khai trương quý IV.
Cụ thể, theo kế hoạch, năm 2023, UBND quận Đống Đa sẽ lập đề án thực hiện tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết; xây dựng không gian văn hóa, phố đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2024, quận mở tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ Hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh - Hà Đông.
Các tuyến phố đi bộ, ẩm thực trên liên quan đến địa giới hành chính của 7 phường: Văn Miếu, Văn Chương, Quốc Tử Giám, Trung Liệt, Ô Chợ Dừa, Cát Linh và Ngã Tư Sở.
Khu vực nghiên cứu tổ chức phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (viền đỏ). Đồ họa quận Ba Đình cung cấp/Báo Tiền Phong.
Còn đối với quận Ba Đình, sau khi khai trương phố ẩm thực đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận tiếp tục hoàn thiện đề án Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh. Diện tích nghiên cứu khoảng 12 hecta, bao gồm cả 36.000 m2 mặt nước hồ Ngọc Khánh, vườn hoa phía đường Nguyễn Chí Thanh hơn 3.800 m2. Quý IV/2023, phố đi bộ hồ Ngọc Khánh dự kiến khai trương.
Tính đến nay, Hà Nội có 5 không gian đi bộ đang hoạt động bao gồm các tuyến phố quanh: Không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận, khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu phố cổ Hà Nội), phố Trịnh Công Sơn, phố quanh thành cổ Sơn Tây, phố Trần Nhân Tông và phụ cận.
Trong 5 tuyến phố đi bộ trên, các tuyến thuộc quận Hoàn Kiếm có lợi thế vị trí trung tâm và hình thành từ lâu nên thu hút đông người dân và du khách. Tuyến phố quanh thành cổ Sơn Tây cũng được đánh giá thành công khi sau một năm hoạt động thu hút 42.000 lượt khách. Phố Trần Nhân Tông mới mở hơn ba tháng, lượng khách còn hạn chế. Phố Trịnh Công Sơn hoạt động từ năm 2018, đang phải tạm dừng lần hai do vắng khách.