Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:50
RSS

Hà Nội rét đậm rét hại, bệnh viện kín chỗ

Thứ hai, 11/01/2021, 16:52 (GMT+7)

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong những ngày rét đậm, rét hại. Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy lượng bệnh nhân tăng đáng kể, đặc biệt các bệnh liên quan giá rét, nhiều trường hợp nặng.

TS.BS Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) - cho biết giá rét khiến số lượng bệnh nhân tăng mạnh. Thông thường, mỗi tháng khoa tiếp nhận khoảng 170 lượt người điều trị nội trú nhưng hiện tại tăng hơn 220.

"Thời tiết lạnh khiến khả năng bảo vệ tại chỗ từ đường hô hấp trên tới hô hấp dưới đều bị suy giảm. Đây là yếu tố dẫn tới các bệnh lý bị nhiễm trùng tăng nặng như hen phế quản, co thắt phế quản mạn tính…", TS Thành giải thích. Đáng nói, hầu hết bệnh nhân nhập viện trong dịp này đều trong tình trạng nặng, nhiều ca suy hô hấp phải hỗ trợ thở máy, thở ôxy.

Còn tại Bệnh viện Hữu Nghị, thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhân bị liệt cơ, méo mặt tăng từ 20-30%. thời tiết lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh VII, gây ra thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh khiến bệnh nhân bị yếu liệt, xệ một bên cơ mặt. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng miệng méo xệch và một bên mắt không thể khép...

Đột quỵ cũng là căn bệnh thường được nhắc đến trong dịp rét đậm, rét hại, dù đây là bệnh có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Tuy nhiên khi thời tiết khắc nghiệt, số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng.

Tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), 100 giường bệnh luôn trong tình trạng kín chỗ. Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ những ngày trời lạnh tăng trên 15%. Tương tự, tại Bệnh viện Tim Hà Nội trời lạnh, số người đến khám bệnh giảm trong khi số bệnh nhân đột quỵ lại tăng lên 20% so với bình thường.

Nhiều người đến viện khi bệnh đã rất nặng, qua "giờ vàng" (dưới 6 giờ từ khi có biểu hiện đầu tiên), nguyên nhân một phần do một nhóm người cao tuổi có thói quen nghỉ ngơi một mình, đột quỵ xảy ra trong đêm nên người nhà không phát hiện ra.

Hà Nội rét đậm rét hại, bệnh viện kín chỗ

Chăm sóc người cao tuổi tại Bệnh viện Phổi trung ương.

Giải thích về nguyên nhân khiến đột quỵ tăng trong thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt khi rét đậm, rét hại, BS Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết có 4 nguyên nhân. Cụ thể, do cơ thể tăng tiết chất Catecholamine (để giữ nhiệt) đã làm co mạch, khiến huyết áp tăng lên. Ngoài ra, về mùa đông, con người thường uống ít nước hơn dẫn đến độ đặc quánh của máu tăng lên dễ gây nguy cơ tắc mạch máu não.

Bên cạnh đó, mùa lạnh cơ thể hay xảy ra tình trạng bị thay đổi nhiệt độ đột ngột: Vừa ngủ dậy ra ngoài tập thể dục, chơi thể thao xong tắm lạnh, tắm vào lúc đêm khuya... Mùa đông cơ thể cũng ít vận động dẫn đến nguy cơ béo phì, đái tháo đường, cholesterol trong máu tăng cao... cũng là các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Trời rét đậm, rét hại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không sưởi qua đêm, đóng kín cửa phòng.

- Ngoài ra, không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi...) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng và cháy.

Võ Thu
Theo Gia đình và Xã hội