Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:50
RSS

Hà Nội khuyến cáo người dân không 'lo sợ cực đoan' trước dịch Covid-19

Thứ sáu, 25/02/2022, 06:50 (GMT+7)

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị người dân trang bị kiến thức khi nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà, tránh “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết”.

Sự kiện:
Hà Nội

Tối 24/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh hoả tốc ra công điện số 02 thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh covid-19 biến thể SARS-CoV-2, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng bệnh.

Nội dung công điện nêu rõ, những ngày gần đây ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội gây tâm lý hoang mang cho người dân. Đáng chú ý, có tình trạng một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch tăng giá đột biến.

Để kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị mỗi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khoẻ, trang bị các thiết bị, kiến thức khi mắc Covid-19 và điều trị tại nhà; nhận biết dấu hiệu bệnh chuyển nặng để liên hệ với cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh tâm lý chủ quan hoặc hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết.

Hà Nội khuyến cáo người dân không lo sợ cực đoan trước dịch Covid-19
Ảnh minh họa

Đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh. Tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nắm bắt các quy trình, phương pháp điều trị tại nhà để chủ động, sẵn sàng các điều kiện cần thiết, tránh tâm ly hoang mang, lo lắng.

Phân công lực lượng để quản lý nhóm nguy cơ (người bệnh nền có nguy cơ cao, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin) và tiếp tục rà soát, trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi, nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Tăng cường hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, tổ chức hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà trên địa bàn, đảm bảo người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế bằng nhiều hình thức tiếp cận, thành lập các nhóm Zalo, cung cấp số điện thoại đường dây nóng. Đối với trẻ em, phụ nữ có thai đang được theo dõi, điều trị, cách ly tại nhà phải theo dõi sát, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng để chuyển viện, chuyển tuyến kịp thời.

Tiếp tục rà roát, tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức tiêm cho những trường hợp chưa được tiêm, người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người không đi lại được, người yếu thế. Đẩy mạnh tổ chức tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tiêm vét mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi.

Vận động các bậc phụ huynh cho con em tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, đúng quy định. Chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vât chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi sau khi được cung ứng vaccine.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại