Thứ sáu, 26/04/2024 | 22:29
RSS

Google Doodle vinh danh bác sĩ Ruth Pfau trong ngày 9/9

Thứ hai, 09/09/2019, 09:58 (GMT+7)

Bác sĩ Ruth Pfau đã nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế cho sự cống hiến trọn đời của mình cho nhân loại. Đó là lý do bà trở thành một trong những vị bác sĩ được Google Doodle vinh danh.

Hôm nay (9/9), Google Doodle vinh danh bác sĩ Ruth Pfau nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nữ bác sĩ người Đức đã có những cống hiến trong việc chữa trị bệnh phong ở Pakistan.

Bác sĩ Ruth Pfau sinh năm 1929 ở Leipzig, Đức. Bác sĩ Pfau được truyền cảm hứng để trở thành một nữ tu ở tuổi 29 sau khi gặp một người sống sót trong trại tập trung. 

Bà sinh ra tại Đức và chịu thiệt thòi nhiều khi nhà bị ném bom trong Thế Chiến II. Sau khi Liên Xô tiếp quản Đông Đức, bà chạy trốn sang Tây Đức cùng gia đình và theo học nghề y tại đây.

Trong những năm 1950, bác sĩ Ruth Pfau học tại Đại học Mainz. Thời gian này, bác sĩ Ruth Pfau gặp gỡ một người phụ nữ Hà Lan theo Cơ đốc giáo sống trong trại tập trung và đi truyền giáo. Cuộc gặp đã truyền cảm hứng cho bà trở thành tín đồ của đạo Tin Lành vào năm 1951. Sang năm 1953, bà chuyển sang trở thành con chiên của Công giáo. 

Bà đã tận tâm cống hiến bản thân cho việc loại bỏ bệnh phong ở Pakistan, cứu sống vô số người.  "Tôi không thể tin rằng con người có thể sống trong những điều kiện như thế" - nữ bác sĩ người Đức Ruth Pfau kể về những ấn tượng đầu tiên của bà về một khu người bệnh phong ở Pakistan.

Google Doodle vinh danh bác sĩ Ruth Pfau trong ngày 9/9
Chân dung bác sĩ Ruth Pfau. Ảnh: Internet

Vào năm 1960, bà đi du lịch đến Ấn Độ. Thế nhưng, do vấn đề về thị thực, bà bị mắc kẹt ở Karachi, một thành phố của Pakistan. Đây cũng chính là chuyến đi định mệnh của đời bà. Bà đã có chuyến thăm thay đổi cuộc sống tới Phòng khám Bệnh phong Marie Marie ở Karachi.

Còn được gọi là bệnh Hansen, bệnh phong là loại bệnh do nhiễm khuẩn mà thành. Đây là bệnh có thể chữa trị. Thế nhưng trong lịch sử, bệnh phong khiến người bệnh bị tẩy chay, kỳ thị do biến chứng gây ra biến dạng cơ thể người. 

Tại Pakistan, bác sĩ Ruth Pfau đã gây quỹ để tân trang phòng khám, xây dựng mạng lưới hơn 150 trung tâm y tế hiện đại. Bao gồm các trung tâm vật lý trị liệu, xưởng sản xuất tay chân giả và nhà cho người khuyết tật. Vào năm 1965, bác sĩ Ruth Pfau bắt đầu khóa học kỹ thuật viên bệnh phong đầu tiên của Pakistan, giáo dục công chúng chống lại sự kỳ thị liên quan đến căn bệnh này.

Năm 1979, bà được bổ nhiệm làm Cố vấn Liên bang về Bệnh phong cho Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội của Chính phủ Pakistan. Pfau đã đi đến các khu vực xa xôi của Pakistan, nơi không có cơ sở y tế cho bệnh nhân phong.

Ruth Pfau đã thu thập quyên góp ở Đức và Pakistan và hợp tác với các bệnh viện ở Rawalpindi và Karachi. Do những nỗ lực liên tục của cô, năm 1996, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Pakistan là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á kiểm soát bệnh phong.

Thường được so sánh với Mẹ Teresa ở Calcutta, bác sĩ Ruth Pfau đã nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế cho sự cống hiến trọn đời của mình cho nhân loại.

Bà Ruth Pfau qua đời ngày thứ năm 10 tháng 8 năm 2017 tại Karachi. Lễ tang của bà được tổ chức theo nghi thức trọng thể cấp nhà nước tại Pakistan.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN