Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Phương Mai (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.
Cụ thể, theo tinh thần Thông tư số 23/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020), tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường mầm non, phổ thông được thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/1/2025.
Theo đó, về quy mô và diện tích trường mầm non, Thông tư quy định trường mầm non tối đa 30 nhóm/lớp, tăng 10 nhóm/lớp so với hiện nay. Với bậc tiểu học, mỗi trường có quy mô tối đa 40 lớp, tăng thêm 10 lớp so với quy định hiện hành. Ở bậc THPT, số lớp tối đa là 50, tăng thêm năm lớp.
Căn cứ điều kiện các địa phương, các điểm trường có thể được bố trí ở những địa bàn khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường và bố trí không quá năm điểm trường. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 8 điểm trường, trường hợp đặc biệt tại các địa bàn có địa hình hiểm trở, chia cắt bố trí không quá 12 điểm trường.
Ở Thông tư mới nói trên, Bộ GDĐT điều chỉnh giảm quy định diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh ở khu vực đô thị loại III trở lên, chỉ còn 6 - 8m2 (tùy từng cấp học), thay vì 8 - 10m2 như quy định hiện hành. Đáng chú ý, Thông tư số 23 đã điều chỉnh quy định về độ cao của trường học các cấp. Ở cấp tiểu học, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng, tăng thêm hai tầng so với quy định cũ. Ở cấp THCS và THPT, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học cao không quá 5 tầng, tăng thêm một tầng so với quy định cũ.
Ngoài ra, quy định mới cũng điều chỉnh linh hoạt theo hướng cho phép trường học ghép các phòng bộ môn (phòng Âm nhạc, Mỹ thuật, công nghệ Tin học, Ngoại ngữ, Hóa học...) thay vì quy định tối thiểu mỗi bộ môn phải có tối thiểu một phòng như hiện nay. Đơn cử, về phòng bộ môn của trường tiểu học, quy định mới yêu cầu có tối thiểu 3 phòng học bộ môn theo quy định của Bộ GDĐT ban hành để tổ chức dạy học các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học, Công nghệ, Tự nhiên và xã hội Tin học, Ngoại ngữ. Căn cứ điều kiện thực tế, ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc bảo đảm đủ chức năng của các phòng học bộ môn, có chức năng tương đồng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bảo đảm việc bố trí thời gian, không gian để thực hiện dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục theo từng chức năng, bảo đảm kế hoạch, định mức giờ dạy trên quy mô học sinh đối với các môn học.
Theo ghi nhận từ thực tế, những điểm mới của thông tư này giúp các trường có đông học sinh được “cởi nút thắt”. Rất nhiều trường học tại Hà Nội ở các quận nội thành hoặc những quận đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất của trường có hạn nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất, kỹ năng sống hay trải nghiệm phải vô cùng linh hoạt. Thậm chí, có những trường phải tận dụng sân chơi công cộng của phường để cho học sinh học Giáo dục thể chất. Cùng đó, khi quy mô học sinh tăng, nhiều trường phải dạy học tại phòng học bộ môn. Tại một số trường, số học sinh đăng ký các môn học tự chọn ít, thậm chí không em nào chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật nên việc cho phép ghép phòng bộ môn sẽ tạo sự linh hoạt cho các nhà trường trong triển khai các hoạt động giáo dục.
Nhiều năm qua, các trường học ở đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM luôn trong tình trạng quá tải, trong khi quỹ đất để xây trường ngày càng ít. Đây cũng là yếu tố khiến các trường ở những khu vực này khó đạt chuẩn quốc gia.
Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường THPT nội thành ở Hà Nội phải giảm chỉ tiêu lớp 10 vì quy định chỉ cho phép tổ chức tối đa 45 lớp. Cuối năm học trước, lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô từng kiến nghị Bộ GDĐT cho cơ chế đặc thù để nâng số lớp trong trường THPT từ 45 lên 50; cho các trường ở nội thành nâng tầng và xây thêm tầng hầm, qua đó thêm chỗ học lớp 10 công lập. Việc này nhằm giúp thành phố tận dụng hiệu quả quỹ đất để xây thêm trường, giảm sĩ số lớp, giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp 10 công lập Hà Nội.
Đáng lưu ý, đầu tháng 12 vừa qua, Sở GDĐT TPHCM công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công. Các tiêu chí gồm khả năng tiếp cận giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; môi trường giáo dục; hoạt động giáo dục; sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân của học sinh. Kết quả, điểm hài lòng của phụ huynh và học sinh với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở trường công đạt 4,6 và 4,48/5, thấp nhất trong các tiêu chí được khảo sát. Sở GDĐT TPHCM nhìn nhận, điều này do tốc độ gia tăng dân số nhanh, khiến tốc độ mở rộng quy mô trường lớp còn hạn chế. Diện tích sân chơi trong trường còn thấp, sĩ số học sinh cao, tỷ lệ học hai buổi trên ngày chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Đây là rào cản, thử thách lớn nhất.