Những điểm mới của quy chế phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhà trường trong việc đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ảnh: ITN
Bên cạnh kế thừa các nội dung đã triển khai thuận lợi, ổn định những năm qua, Quy chế có những điểm sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn; cơ bản tạo thuận lợi cho nhà trường, địa phương khi triển khai tổ chức kỳ thi.
Sửa đổi phù hợp
Nhận định về những điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Xuân Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, Quy chế giảm số môn thi và buổi thi; từ đó giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và nhà trường, đồng thời giảm chi phí xã hội. Môn Tin học, công nghệ lần đầu tiên trở thành môn thi tốt nghiệp THPT.
Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ của đất nước. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11, 12 lên 50%; điểm thi tốt nghiệp chiếm 50%. Thay đổi này thúc đẩy việc dạy - học ngay từ khi học sinh vào THPT, hạn chế học lệch môn.
Một điểm mới khác liên quan đến miễn thi ngoại ngữ. Theo đó, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đủ điều kiện sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như trước. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp sẽ không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
Thí sinh có đủ điều kiện miễn thi ngoại ngữ nhưng vẫn muốn tham gia thi tốt nghiệp THPT môn này thì phải sử dụng kết quả thi để tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Quy định này đảm bảo xét công nhận tốt nghiệp công bằng hơn và có tác động tích cực đến việc học ngoại ngữ của học sinh.
Quy chế cũng bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề với tất cả thí sinh, bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên. Thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (đạt từ bậc 3 trở lên) để miễn thi Ngữ văn, tuy nhiên nếu muốn dự thi môn Ngữ văn thì phải sử dụng kết quả thi của môn này để xét tốt nghiệp.
Phương án nhận đề thi đã được mã hóa qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng là điểm mới. Thực hiện phương án này giúp việc chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt thời gian và nhân sự vận chuyển như hiện nay, phù hợp với kế hoạch từng bước chuyển đổi từ thi trên giấy sang thi trên máy tính.
“Những điểm mới nói trên phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhà trường trong tổ chức dạy - học, giảm áp lực, giảm chi phí xã hội mà vẫn đảm bảo việc đánh giá học sinh, xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả của kỳ thi đủ điều kiện để trường ĐH làm cơ sở tuyển sinh”, ông Nguyễn Xuân Hồng nhận định.
Thầy Phan Trọng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) đánh giá những điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong giảng dạy, ôn tập. Trong đó, có điểm mới là học sinh thi ít buổi và ít môn so với các năm trước; giảm áp lực thời gian, công sức cho công tác thi cũng như ôn tập của học sinh.
Điểm mới trong xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng được phụ huynh, học sinh quan tâm. Cụ thể, tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi.
Giờ học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình. Ảnh: NTCC
Chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đổi mới
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, các địa phương, nhà trường tiếp tục công việc, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đổi mới. Tại Nam Định, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với các khối lớp; trong đó tập trung chuẩn bị điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 9, 12, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Chú trọng công tác tổ chức ôn tập theo định hướng đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT; tổ chức tập huấn xây dựng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 cho giáo viên tất cả môn thi.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố phối hợp với sở GD&ĐT chuẩn bị tốt điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, hiệu quả, tiết kiệm.
Tại Điện Biên, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cù Huy Hoàn, sở triển khai đầy đủ các thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 từ tháng 9/2024; ban hành công văn triển khai Quyết định số 764/QĐ-BGDĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Sở GD&ĐT đã tổ chức các hội nghị; ban hành công văn về việc tăng cường công tác dạy học, ôn tập, ôn thi tốt nghiệp THPT 2025 và bồi dưỡng học sinh giỏi; ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng GDPT năm học 2024 - 2025.
Các trường tiến hành xây dựng kế hoạch ôn tập, ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2024 - 2025 có sự đóng góp của cán bộ giáo viên nhà trường, được lãnh đạo trường phê duyệt ngay từ đầu năm học; phân công giáo viên giỏi, nhiều kinh nhiệm tiến hành ôn tập cho học sinh ngay từ đầu. Các cụm chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn. “Hiện, các đơn vị tiến hành ôn tốt nghiệp THPT năm 2025 giai đoạn 1; chuẩn bị tiếp tục ôn giai đoạn 2 vào đầu học kỳ II năm học 2024 - 2025”, ông Cù Huy Hoàn chia sẻ.
Nhận định tích cực về những điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lạc (Hòa Bình) cho biết, nhà trường đã chuẩn bị từ sớm, từ xa cho kỳ thi, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, ôn tập.
Trong đó có việc đổi mới kiểm tra đánh giá; bao gồm đổi mới đánh giá thường xuyên và đề thi giữa kỳ, cuối kỳ tiệm cận với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động giáo dục; bước đầu kiểm tra, đánh giá thông qua phần mềm, tạo điều kiện, cơ hội cho người học tiếp cận với các phương thức kiểm tra trên máy tính.
Đa dạng hóa phương pháp, kỹ thuật dạy học, tăng tính chủ động trong học tập, thi cử của học sinh. Từng bước đáp ứng cơ sở vật chất nhằm tối ưu hóa các hoạt động giáo dục, như học trải nghiệm, thực hành, hoạt động tập thể, ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học...
Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi đảm bảo gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém và đảm bảo chất lượng, đánh giá khách quan chất lượng dạy - học, cung cấp dữ liệu đủ tin cậy để tuyển sinh ĐH, CĐ. - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên Cù Huy Hoàn