Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Thăng Long tư vấn tuyển sinh cho thí sinh. Ảnh: NTCC
Hệ lụy từ xét tuyển sớm
Xét tuyển sớm hình thành cách đây vài năm. Bên cạnh những ưu điểm, TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhận thấy, xét tuyển sớm có nhiều nhược điểm, chẳng hạn như: Học sinh xao nhãng việc học khi biết mình “trúng tuyển sớm”. Do đó, cần tiến tới bỏ hẳn xét tuyển sớm, chờ đến khi xong Kỳ thi tốt nghiệp THPT mới xét tuyển.
Siết chỉ tiêu xét tuyển sớm, thậm chí có thể tiến tới không xét tuyển sớm là ý kiến của TS Phạm Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức (Trường ĐH Thành Đô). Xét tuyển sớm không tạo sự công bằng giữa các thí sinh. Do có quá nhiều thang đo đánh giá, học sinh không thể chuẩn bị được hết, nhất là những em vùng khó. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh đạt các tiêu chí xét tuyển sớm được chọn trước, trong khi chưa chắc những em đó giỏi, phù hợp nhất. Bên cạnh đó, những trường lớn, lâu đời sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi xét tuyển sớm so với trường nhỏ.
TS Phạm Hiệp cho hay, nhiều quốc gia tại khu vực châu Á chỉ áp dụng một kỳ thi chung trong tuyển sinh đại học như: Trung Quốc có kỳ thi cao khảo; Nhật Bản Hàn Quốc tương tự. Những yếu tố khác thường được sử dụng trong xét tuyển sớm như: Chứng chỉ SAT, IELTS, học bạ... chỉ là điểm cộng, được Nhà nước khống chế theo một khoảng nhất định, quy định rõ điểm cộng tối đa. Chúng ta nên áp dụng cách làm tương tự cho tuyển sinh đại học, vừa tránh bất bình đẳng trong xét tuyển, vừa để những thí sinh có điều kiện về chứng chỉ quốc tế, học bạ tốt... có điểm cộng ưu tiên.
Ủng hộ việc bỏ hình thức xét tuyển sớm và cần siết chặt lại các quy định, để công tác tuyển sinh công bằng và hiệu quả hơn, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phân tích, học sinh lơ là, không tập trung học ở thời điểm cuối năm lớp 12, hay các em chỉ tập trung học những môn học để thi ở THPT sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, làm mất cân bằng đến quá trình học đại học sau này.
Thí sinh tìm hiểu các phương thức xét tuyển sớm của Học viện Chính sách và Phát triển năm 2024. Ảnh: NTCC.
Xét tuyển đủ 6 học kỳ
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính đề xuất, cần mạnh dạn bỏ hình thức xét tuyển sớm, bởi con số 20% dành cho xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa. Khi các trường đại học xét tuyển sớm sẽ làm các trường phổ thông vất vả, khối lượng xác nhận nhiều, các em không quan tâm đến học kỳ II năm lớp 12. Có trường chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12 nên sau khi ăn Tết xong, học sinh không tập trung vào học kỳ II.
Do vậy, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng ủng hộ điểm mới trong dự thảo quy chế là nếu xét tuyển bằng học bạ THPT phải có đủ 6 học kỳ, để thí sinh tập trung học tập nghiêm túc đến cuối năm học. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để các đơn vị thực hiện nghiêm quy chế; tăng cường chế tài về công tác thanh tra, hậu kiểm để công tác tuyển sinh đi vào nền nếp, hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, xét học bạ THPT phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 mới đảm bảo đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh THPT, tránh hiện tượng học lệch hay bỏ một số môn ở học kỳ II lớp 12.
Cho rằng, công tác tuyển sinh luôn có áp lực xã hội lớn, PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nêu quan điểm, chúng ta xác định đầu vào quan trọng, nhưng cả quá trình đào tạo trong trường đại học quan trọng hơn cả, lãng phí về con người nguy hiểm hơn nhiều vật chất. Do vậy, những thay đổi của Bộ GD&ĐT để phù hợp hơn với tình hình mới là cần thiết và cần làm ngay, bởi chất lượng đào tạo mới đáng quý.
Trao đổi về xét tuyển sớm, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (dự thảo quy chế), các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động tuyển được những thí sinh giỏi nhất; đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Bên cạnh đó là quy định không xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu. Những điều này góp phần khắc phục các bất cập phát sinh từ xét tuyển sớm. Các trường sẽ không phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho việc xét tuyển này hay việc nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển sẽ được khắc phục.
Ngoài ra, dự thảo quy chế đề xuất, quy định xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Bà Nguyễn Thu Thủy nhìn nhận, đây là biện pháp bổ sung để tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở lớp 12 đồng thời tăng tính công bằng và hiệu quả của công tác tuyển sinh. Khi đề thi tốt nghiệp THPT đổi mới, khả năng đánh giá năng lực và tính phân loại cải thiện, thì kết quả kỳ thi này chắc chắn sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Khẳng định công tác tuyển sinh của đại học, cao đẳng tác động lớn tới quá trình học ở giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, nếu sử dụng học bạ để xét tuyển, cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ II của lớp 12 sẽ khiến nhiều học sinh chủ quan và không tập trung học tốt các môn. Điều này sẽ khó khăn cho các em sau này khi vào đại học. Ngoài ra, chúng ta cần đo được năng lực, khả năng học tập của thí sinh phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu của từng ngành/chương trình đào tạo.
Theo dự thảo quy chế, chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Thứ trưởng cho rằng, điều chỉnh về “xét tuyển sớm” cần thiết để đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Dự thảo chưa phải cuối cùng nhưng có những điểm mới nhằm khắc phục một số bất cập từ xét tuyển sớm.
Bà Vương Hương Giang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đồng tình với quy định việc xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Qua đó nhằm đảm bảo đánh giá kiến thức của thí sinh trong toàn cấp THPT và tránh được hiện tượng học lệch, hoặc bỏ không học một số môn ở học kỳ II năm lớp 12 vì chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.