Chỉ trong 2 ngày 14 – 15/11 vừa qua, đã có tới 9 trường hợp phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn nấm, trong đó đã có 1 trẻ nhỏ tử vong. Cụ thể vào trưa ngày 15/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông tiếp nhận 2 trường hợp nghi bị ngộ độc thức ăn. Trong đó, 1 trường hợp đã tử vong.
Hai trường hợp nhập viện cấp cứu là cháu Nguyễn Thị Thùy Trang (8 tuổi) và em ruột là Nguyễn Giác Sáng (4 tuổi) trú tại thôn 2, xã Đức An, huyện Đăk Song, tỉnh Đắc Nông. Theo lời người nhà nạn nhân, sáng 14/11, hai cháu bé ăn bánh mì kẹp thịt; chiều cùng ngày hai cháu tự nấu mì tôm ăn.
Đến sáng 15/11, hai cháu có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng dữ dội, nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song cấp cứu; sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Khi đến nơi, cháu Nguyễn Thị Thùy Trang đã tắt thở. Còn cháu Nguyễn Giác Sáng tiếp tục được cấp cứu.
Trao đổi với báo VOV, bác sĩ Nguyễn Y Đông, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh ĐắK Nông cho biết: “Cháu bé vào viện có triệu chứng ngộ độc, nhưng hiện chưa xác định được nguyên nhân ngộ độc.
Bây giờ cháu bị ngộ độc nên ăn uống không được cho nên dinh dưỡng phải truyền đường tĩnh mạch cho cháu, thứ hai là làm một số khám cận lâm sàng nếu cháu bị đi cầu đau bụng thì sẽ bị rối loạn điện giải như bù nước, điện giải”.
Đáng chú ý, trước đó không lâu vào khoảng 21h30 ngày 14/11, tại Bệnh viện Đa khoa thuộc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tiếp nhận 7 bệnh nhân trong một gia đình trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt và nôn cùng với các triệu trứng mất nước, tim mạch nhanh, huyết áp hạ...
Các bệnh nhân gồm: ông Ma A Kính, vợ là Hảng Thị Dế, dân tộc Mông, cùng 5 người con thôn 2, xã Nà Hẩu. Ngay khi đón tiếp bệnh nhân kíp trực đã khẩn trương chẩn đoán và cấp cứu kịp thời, đồng thời cử tổ điều tra nguyên nhân.
Được biết vào khoảng 18h ngày 14/11/2016, gia đình ông Ma A Kính có ăn nấm do gia đình tự hái trên rừng về chế biến để ăn. Sau khi ăn 10 phút, lần lượt các thành viên trong gia đình đều thấy đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi...
Các bệnh nhân sau đó đã được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Nà Hẩu cấp cứu và chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Văn Yên.
Tại Bệnh viện Đa khoa của Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, 7 bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời, đồng thời cơ quan chuyên môn đã điều tra xác định rõ nguyên nhân thức ăn gây ngộ độc thực phẩm là nấm không rõ nguồn gốc và đã lấy mẫu nấm để lưu.
Hiện 7 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe Vụ ngộ độc nấm một lần nữa lại là hồi chuông cảnh báo đối với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thường hay hái nấm rừng về ăn mà không hiểu rõ nguy cơ bị ngộ độc của các loài nấm này.
Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Văn Yên đã ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm do cóc, nhái, rượu ngâm cây rừng, nấm, nước lá, rễ cây rừng làm cho 17 nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 trường hợp tử vong.