Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:01
RSS

Giáo viên mong mỏi 3 "chữ C" trong năm Quý Mão 2023

Thứ bảy, 21/01/2023, 15:20 (GMT+7)

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM: 3 chữ C trong năm mới

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM: 3 chữ C trong năm mới

Giáo viên mong mỏi 3 chữ C trong năm Quý Mão 2023

Cô Nguyễn Mộng Tuyền với học sinh. Ảnh: NCCC

"Tôi mong muốn 3 chữ C trong năm mới. Đó là Chất lượng, Chuyển đổi số và Cầu thị.

Chất lượng: Tôi mong giáo dục Việt Nam tập trung vào chất lượng chứ không chỉ chạy theo những con số của chỉ tiêu. Chất lượng này bao hàm hai điều là chất lượng kiến thức được thu nạp và chất lượng đời sống tinh thần của giáo viên lẫn học sinh.

Chuyển đổi số: Tôi mong năm nay giáo dục sẽ tiếp cận và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Nó không chỉ dừng lại ở việc dạy online. Hi vọng những người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sẽ nghiên cứu nhiều hơn về ứng dụng của Blockchain và AI vào lĩnh vực giáo dục.

Cầu thị: Hi vọng những người làm giáo dục chân chính sẽ luôn giữ thái độ cầu thị và nghiêm túc đối với công việc của mình, hiểu được sứ mệnh truyền cảm hứng của bản thân. Từ đó phát triển thân, tâm, trí một cách tích cực. Đó là nền tảng để nền giáo dục nước nhà khoẻ mạnh và vươn xa hơn.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Chăm sóc sức khỏe thâm thần cho giáo viên và học sinh

Giáo viên mong mỏi 3 chữ C trong năm Quý Mão 2023

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC

"Đối với năm 2023, đây là một năm quan trọng bản lề của việc triển khai chương trình GDPT mới, sẽ là thời điểm tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TƯ ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Vì vậy, đây sẽ là năm mà ngành cần rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ, trong đó ưu tiên rà soát, điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách đối với viên chức ngành Giáo dục và thực hiện tự chủ đại học. Chúng ta cũng cần có sự chủ động hơn để quan tâm xây dựng đội ngũ, tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao và khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non đủ năng lực phẩm chất để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

Sau khủng hoảng đại dịch Covid-19, thế giới dự báo chúng ta sẽ phải đối diện với khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Chính vì vậy, tôi kỳ vọng năm mới 2023 sẽ đặt trọng tâm vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đội ngũ giáo viên và học sinh để hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc. Và trong xu thế chuyển đổi số trong giáo dục, tôi cũng kỳ vọng năm 2023, ngành Giáo dục sẽ có nhiều hoạt động thiết thực để trang bị bộ "kỹ năng số" cho người học và giáo viên để có thể khai thác một cách hiệu quả nguồn tri thức nhân loại trên không gian mạng và tránh được những nguy cơ, ứng xử một cách phù hợp, đảm bảo tương tác an toàn và lành mạnh trên không gian mạng".

Thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học tại Hà Nội: Áp lực của những người làm giáo dục rất lớn

Giáo viên mong mỏi 3 chữ C trong năm Quý Mão 2023

Với khoảng 23 triệu học sinh trên tổng số khoảng 100 triệu dân, 1,2 triệu giáo viên chiếm đến 70% số công chức, viên chức cả nước thì rõ ràng hoạt động của ngành Giáo dục có ảnh hưởng vô cùng lớn đến mọi mặt của xã hội, đó là vấn đề sát sườn của mỗi gia đình. Bất kỳ thay đổi nào của ngành Giáo dục cũng được sự quan tâm chú ý, nhất là sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay thì dường như mọi nhất cử nhất động của ngành đều được soi xét dưới các lăng kính khác nhau.

Hàng năm chúng ta dành khoảng 20% ngân sách cho giáo dục. Nói vậy để thấy rằng áp lực của những người làm giáo dục lớn thế nào. Áp lực không chỉ đến từ khối lượng công việc mà còn đến từ chính sự kỳ vọng của xã hội, áp lực cơm áo gạo tiền thường ngày với đồng lương ít ỏi, áp lực từ chính lương tâm của người làm nghề giáo.

Nghề giáo luôn được xã hội coi trọng là một nghề cao quý nhưng hiện nay cũng là một trong những nghề bị soi xét nhiều nhất. Xã hội vẫn trăm sự nhờ thầy cô nhưng ở đâu đó trăm sự lại tại thầy cô. Thầy cô giáo chịu trách nhiệm cho việc mình làm nhưng họ cũng cần phải được bảo vệ khi cần thiết chứ không phải trở thành người đứng mũi chịu sào trong mọi trường hợp.

Bên cạnh đó, SGK thay đổi nhanh chóng còn cách quản lý vận hành lại thay đổi vô cùng chậm chạp, giáo viên vẫn còn đó với đống giấy tờ sổ sách, với những trang giáo án được đo bằng số trang, với nhiều cuộc thi, thao giảng, dự giờ còn mang tính hình thức…

Giáo dục là một hành trình đầy thử thách, ở đó bản lĩnh, lương tâm của mỗi nhà giáo sẽ là chiếc áo giáp trên mặt trận tri thức. Tôi hi vọng rằng, mỗi chúng ta, những người làm giáo dục, khi làm bất cứ điều gì thì đầu tiên hãy nghĩ đến sự trưởng thành và tử tế của con trẻ".

TS Trần Đình Lý, Hiệu phó Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM: Tự chủ đại học

Giáo viên mong mỏi 3 chữ C trong năm Quý Mão 2023

TS Trần Đình Lý, Hiệu phó Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Ảnh: NVCC

Với việc có quá nhiều phương thức xét tuyển như hiện tại (trên 20 phương thức) trong đó có hơn 50% có tỷ lệ trúng tuyển < 1%. Mặc dù các trường được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm nhưng với việc có quá nhiều phương thức như thế sẽ dễ gây rối cho thí sinh, thậm chí có nơi xé rào, phạm quy chế. Có nơi thì lấy mức chuẩn quá thấp cần xem lại vì mức điểm chuẩn thấp là cách làm cho uy tín cơ sở giáo dục đào tạo giảm nhanh nhất, thậm chí tự mình bị loại ra khỏi hệ thống...

Vì vậy, tôi hy vọng với sự hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực của chính các trường đại học, sự ủng hộ của xã hội các trường đại học sẽ thật sự tự chủ, thật sự quyết định vận mệnh của mình để nâng cao chất lượng đào tạo thì chế độ đãi ngộ với nhân tài là rất quan trọng. Tôi hy vọng nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường công lập nhận được sự đãi ngộ xứng đáng để thầy/cô yên tâm công tác và cống hiến.

Tào Nga
Theo Dân Việt