Thứ ba, 19/03/2024 | 15:50
RSS

Giáo viên mầm non ngoài công lập: Chật vật ‘bám’ nghề

Thứ ba, 28/09/2021, 06:45 (GMT+7)

Tại Hà Nội, sau khi bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, trường học đóng cửa để phục vụ công tác phòng dịch khiến hàng loạt giáo viên mầm non tại các trường ngoài công lập phải nghỉ việc, lay lắt, chật vật, xoay đủ nghề để kiếm sống.

Khi giáo viên mầm non phải chuyển nghề “đi buôn”

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội đã cho học sinh các cấp nghỉ học để nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Để đảm bảo chương trình theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học, THCS, THPT trong và ngoài công lập đều chuyển sang triển khai giáo dục trực tuyến. Tuy nhiên, công việc của giáo viên mầm non (GVMN) lại vẫn trong tình trạng “đóng băng” không thể triển khai vì đặc thù của trẻ chưa đủ điều kiện về sức khỏe và sự tập trung khi ngồi trước màn hình điện thoại, máy tính quá lâu để học trực tuyến.

Cùng là giáo viên nhưng trong khối công lập, thu nhập giảm nhưng vẫn có lương cứng còn GVMN các trường dân lập, tư thục hoặc nhóm trẻ phần lớn là hợp đồng ngắn hạn, đi làm tháng nào được tiền tháng đó. Vì vậy, giáo viên mầm non ngoài công lập được xếp vào nhóm gặp khó khăn nhất trước tác động của dịch Covid-19.

Nhiều tháng trời phải đóng cửa để phòng, chống dịch, nhiều trường mầm non tư thục thời điểm đầu cũng cố gắng hỗ trợ phần nào đó cho giáo viên. Tuy nhiên, khi nguồn dự phòng dần cạn kiệt, mỏng, chi phí mặt bằng lại cao và ít được chủ mặt bằng giảm sâu, chủ trường gặp rất nhiều khó khăn, cố gắng gồng gánh nhiều chi phí thậm chí phải vay mượn để chi trả mặt bằng nên không thể tiếp tục hỗ trợ cho các giáo viên.

Vốn dĩ, đồng lương của những giáo viên mầm non ngoài công lập đã ít ỏi, giờ nghỉ kéo dài khiến họ gặp không ít khó khăn.

“Mấy tháng nay không được đi làm đồng nghĩa với việc không được nhận lương mà vẫn phải lo các khoản tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt khiến tôi phải xoay sở mới có thể trụ lại được. Nhưng nhiều đồng nghiệp trong trường tôi có con nhỏ, thuê trọ, cả hai vợ chồng cùng thất nghiệp mới thực sự khó khăn”- cô Nguyễn Hồng Hạnh, giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ.

Thất nghiệp kéo dài, không có thu nhập, muốn bám trụ được với nghề, trước hết phải đủ sống qua mùa dịch, vì vậy, không ít GVMN ngoài công lập buộc phải xoay đủ nghề để kiếm sống trong những tháng giãn cách xã hội vừa qua.

Cô Nguyễn Thu G., giáo viên trường mầm non tư thục ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chuyển sang bán hàng trực tuyến kể từ khi “thất nghiệp” đến nay. “Mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là hải sản yêu cầu vốn nhập khá cao nên tôi chỉ bán với số lượng ít, lời lãi không nhiều. Lần đầu “đi buôn” nên thời điểm đầu cũng khá khó khăn, thậm chí lỗ vốn. Dù vậy vẫn phải cố gắng kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch này để trụ được với nghề, đợi ngày đón học sinh quay lại trường”- cô G. cho biết.

Trên một số diễn đàn tìm việc làm, không ít giáo viên ngoài công lập đăng ký công việc bán bảo hiểm hoặc giúp việc gia đình, thậm chí xin làm nhân viên tạp vụ để trang trải cuộc sống. Đây là tình cảnh chung của nhiều giáo viên tại các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong đại dịch lần này, các trường mầm non tư thục đều mong mỏi được nhận các gói hỗ trợ từ Nhà nước và địa phương.


Ảnh minh họa.

Cần quan tâm hơn đến chế độ cho giáo viên ngoài công lập

Giáo viên mầm non ngoài công lập thuộc nhóm đối tượng số 4 “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” theo Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19. Chính sách hỗ trợ này sẽ phần nào giúp giảm bớt khó khăn của các giáo viên mầm non, đặc biệt giáo viên mầm non ngoài công lập.

Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ có thể giải quyết khó khăn trước mắt chứ không phải là giải pháp lâu dài.

Trong trường hợp dịch bệnh còn chưa thực sự được kiểm soát, học sinh chưa trở lại trường thì giáo viên mầm non ngoài công lập không thể có thu nhập trang trải cho cuộc sống. Đội ngũ giáo viên không bám trụ được, bỏ nghề khiến các cơ sở khó tiếp tục hoạt động. Khi đó, áp lực chỗ học sẽ đổ dồn sang các trường công lập, thậm chí gây ra tình trạng quá tải ở trường công.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương cho biết, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến giáo viên mầm non nói chung, đặc biệt là giáo viên mầm non ngoài công lập.

Hiện nay, ngoài việc chờ đợi các quy định về việc mở cửa trở lại của các trường mầm non để quay trở lại làm việc, các giáo viên có thể tiếp tục liên hệ với phụ huynh và học sinh, tham gia hướng dẫn phụ huynh trong việc chăm sóc và tổ chức các hoạt động giáo dục tại nhà cho trẻ.

Bà Vân cũng cho rằng, Nhà nước cần quan tâm hơn đến các chế độ cho giáo viên ngoài công lập thông qua các chính sách hỗ trợ. Về phía nhà trường, đây cũng là thời điểm mà các quỹ dự phòng của các trường tư thục phát huy tác dụng , hỗ trợ một phần kinh phí cho giáo viên để quan tâm đến đời sống của họ.

Bên cạnh đó, bản thân giáo viên cũng cần chủ động trong việc xây dựng các bài giảng trực tuyến, tư vấn cho phụ huynh. Ngoài ra, giáo viên cũng phải tận dụng các nghề tay trái, nghề truyền thống của gia đình… để có thể duy trì cuộc sống, kiếm thêm thu nhập trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.              

QUANG THÀNH
Theo Đại Đoàn Kết