Chủ nhật, 19/05/2024 | 02:15
RSS

Giá xăng hôm nay ngày 6/5/2024: Dầu thế giới giảm sâu

Thứ hai, 06/05/2024, 05:29 (GMT+7)

Giá xăng hôm nay ngày 6/5/2024 ghi nhận trên thị trường thế giới và trong nước biến động thế nào? Hãy cùng cập nhật trong bài viết dưới đây.

Giá xăng hôm nay ngày 6/5/2024 ở thị trường trong nước

Giá xăng hôm nay ở thị trườn trong nước vẫn đang được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 2/5 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 08 đồng/lít, xuống mức 23.911 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 40 đồng/lít, lên mức 24.955 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu trong phiên điều chỉnh ngày hôm nay đồng loạt giảm. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 110 đồng/lít, xuống mức 20.606 đồng/lít; dầu hỏa giảm 142 đồng/lít, xuống mức 20.544 đồng/lít.

Riêng dầu mazut trong phiên điều chỉnh này vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng 255 đồng/kg, lên mức giá 17.663 đồng/kg.

Giá xăng hôm nay ngày 6/5/2024: Dầu thế giới giảm sâu

Giá xăng hôm nay ngày 6/5/2024. Ảnh minh họa.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, Giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: nỗ lực hòa giải giữa Israel và Hamas tại khu vực Dải Gaza, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng lên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina vẫn tiếp diễn… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm tùy từng mặt hàng.

Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu mazut.

Giá xăng hôm nay ngày 6/5/2024 trên thị trường thế giới

Giá xăng hôm nay trên thị trường thế giới được ghi nhận theo dữ liệu trên Oilprice lúc 4h30 ngày 6/5/2024 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 77,99 USD/thùng, giảm 1,06% (tương đương giảm 0,84 USD/thùng),  giá dầu Brent ở mốc 82,78 USD/thùng, giảm 0,85% (tương đương giảm 0,71 USD/thùng).

Mở đầu tuần giao dịch vừa qua, giá dầu ghi nhận mức giảm hơn 1 USD/thùng do các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas diễn ra ở Cairo làm giảm bớt lo ngại về bất ổn địa chính trị. Ngoài ra, dữ liệu lạm phát của Mỹ đã khiến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới bị đẩy lùi.

Tới phiên giao dịch thứ 2, giá dầu vẫn tiếp tục giảm sâu tới gần 1% do sản lượng dầu thô của Mỹ tăng và thị trường vô cùng kỳ vọng về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Đà giảm này tiếp tục lan sang phiên giao dịch thứ 3 trong tuần, tại thời điểm này, giá dầu giảm sâu gần 3% - ghi nhận mức thấp nhất trong 7 tuần qua do tồn kho dầu Mỹ tăng vượt 7,3 triệu thùng.

Tới phiên giao dịch thứ 4, giá dầu không có quá nhiều sự biến động, ghi nhận sự tăng – giảm trái chiều giữa dầu Brent và dầu WTI. Đến phiên kết thúc tuần giao dịch, trong bối cảnh giới đầu tư vẫn đang xem xét các dữ liệu việc làm của Mỹ và thời điểm FED cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới, điều này khiến giá dầu kết thúc tuần ở mức giảm.

Có thể thấy, đà tăng của giá dầu thế giới đã bị cắt đứt, đánh dấu một tuần lao dốc không phanh khi trải qua tuần giao dịch với 4 phiên giảm mạnh và 1 phiên diễn biến tăng – giảm trái chiều. Đồng thời, tính chung cả tuần, chỉ số dầu WTI đã giảm 6,8%, chỉ số dầu Brent còn giảm hơn 7%.

Thúy Vũ (Tổng hợp)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại