Hiện nhiều hộ dân trồng roi (miền Nam gọi là quả mận) tại phường Tân Tộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ và những vùng lân cận đang gặp khó khăn vì tình trạng “cung vượt cầu”.
Theo báo Dân Việt, nhiều vườn roi bị bỏ mặc cho chín, rụng đầy vườn, bởi nếu bán, người dân sẽ phải tốn thêm tiền thuê nhân công khiến lỗ càng thêm lỗ.
Tại vườn, quả roi được bán với giá 2.000 đồng – 3.000 đồng/kg, may mắn hơn thì được giá 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), hiện nay phường Tân Lộc có hơn 400ha roi. Do đang vào vụ thu hoạch rộ nên đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Một số thương lái thu mua loại quả này ở quận Thốt Nốt cho biết, hiện nay quả roi cũng rất khó bán do sự cạnh tranh gay gắt từ các loại trái cây khác thơm ngon hơn. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân không thể đón trước được thị trường.
Roi loại bé bày bán tại siêu thị với giá 39.100 đồng/kg
Trao đổi với phóng viên Báo Tổ Quốc về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ xác nhận, hiện tại giá roi đang được bà con bán với giá 4.000 đồng – 5.000 đồng/kg và với giá bán như vậy đã có lãi nhẹ.
“Roi chín rộ vào tháng Tết Nguyên đán. Mà thời điểm này có nhiều loại hoa quả khác phục vụ Tết nên thế mạnh của quả roi bị ảnh hưởng, dẫn tới cung vượt cầu. Tuy nhiên, hiện giá roi đã được bán ở mức 4.000 - 5.000 đồng/kg nên bà con đã có chút lãi nhẹ”, ông Toại cho hay.
Dù vậy, nghịch lý là tại Hà Nội giá roi lại đang cao gấp vài chục lần so với giá tại vườn.
Tại các siêu thị, giá roi hầu hết niêm yết ở mức cao ngất ngưởng: 60.000 đồng – 75.000 đồng/kg. Tại siêu thị Unimart, giá roi An Phước ở mức 60.000 đồng/kg, siêu thị Vinmart (Khu đô thị Times City), giá roi (loại quả bé) niêm yết ở mức 39.100 đồng/kg, siêu thị Michi mart (T1 – Khu đô thị Times City), loại quả này niêm yết ở mức 75.000 đồng/kg, tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, roi niêm yết ở mức 75.000 đồng/kg…
Trong khi đó, tại các chợ, giá roi ở mức rẻ hơn , ở mức: 40.000 đồng -45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, quả roi được bày bán tại chợ chủ yếu là loại 2-3, nhiều quả đã bị dập, hỏng…
Tại các shop bán hoa quả online, giá roi cũng được rao bán ở mức giá: 70.000 đồng – 75.000 đồng/kg.
Roi bán tại cửa hàng online có giá 75.000 đồng.
Dù giá bán ra đắt đỏ như vậy song đại diện siêu thị Unimart (Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, siêu thị không phải lúc nào cũng có sẵn roi để bán.
“Nếu khách hàng muốn mua với số lượng lớn thì phải đặt trước mới có”, đại diện này nói.
Đại diện quầy thực phẩm Bác Tôm, một nhân viên cho hay, roi được bày bán tại hệ thống là roi An Phước (Tiền Giang). Giống roi này có dạng hình trái quả dài, lớn trái, màu vỏ tím đỏ sọc trắng mờ rất đẹp, thịt trái giòn, ngọt, không hạt.
Đáng nói là trong hệ thống hàng hóa của Bác Tôm, roi là mặt hàng bán khá chạy, nhiều khách hàng thường xuyên hỏi mua nhưng lại không thường xuyên có sẵn để bán.
Tại chợ 8/3, chị Hương (chủ một quầy bán hoa quả) cũng chia sẻ: “Quả roi bán khá đắt hàng vì ăn mát, ngọt… Tuy nhiên, loại quả này có nhược điểm là khó bảo quản do dễ bị dập, hỏng…nên người bán cũng khá e dè khi nhập về. Điều này giải thích tại sao giá bán cao gấp vài chục lần so với giá tại vườn”.
Trong khi các hộ trồng roi đang “đau đầu” vì không ai mua, phải đổ đi thì tại miền Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội, quả roi được bán ra với giá cao ngất ngưởng. Không những thế, chiều 23/2, phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã đi đến rất nhiều siêu thị và cửa hàng nhưng đều có câu trả lời là “ không có roi để bán”.
Như vậy, một lần nữa vấn đề được đặt ra là khó khăn trong khâu bảo quản, phân phối và tiêu thụ, nhất là khâu bảo quản trong vận chuyển đường dài với số lượng lớn, giữ được độ tươi ngon cả về màu sắc và chất lượng. Một lần nữa, bài toán tiếp theo về mối liên kết “4 nhà” trong chuỗi sản xuất nông nghiệp lại được đưa ra. Để thỏa mãn cả hai đầu cung và cầu luôn là vấn đề cần thiết để giảm bớt thiệt thòi cho cả người nông dân và người tiêu dùng.
Trước thông tin giá roi tại Hà Nội cao gấp hàng chục lần so với giá tại vườn, ông Nguyễn Minh Toại cho biết “sẽ kiểm tra lại thông tin và có chỉ đạo để giúp giảm bớt khó khăn cho các hộ trồng roi”