Để một chiếc xe Ấn Độ trên lăn bánh được tại Việt Nam người Việt phải mất thêm hàng trăm triệu đồng, số tiền này đến từ thuế phí của Nhà nước và lãi kinh doanh của doanh nghiệp phân phối.
Theo giải thích của một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu ô tô, thuế nhập ô tô nguyên chiếc các loại từ Ấn Độ về Việt Nam hiện có thuế suất 70% theo khung thuế suất thuế nhập khẩu của WTO, các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (VAT), các loại phí khác cũng khiến giá chiếc xe dưới 100 triệu đồng của nước này về Việt Nam đội giá gấp 3 - 4 lần.
Một chiếc xe Hyundai i10 nhập khẩu tại Ấn Độ về Việt Nam được cho là có mức giá khai báo hải quan 84 triệu đồng, tuy nhiên, giá đến tay người tiêu dùng chênh gấp 4 - 5 lần
Tính giá cơ sở của một chiếc ô tô Hyundai Grand i10 nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ về làm ví dụ. Xe hơi được nhập đa phần theo phương thức giá CIF (giá tại cảng nhập, đã bao gồm các cước vận tải, bảo hiểm). Với giá 84 triệu đồng, thuế nhập khẩu 70% (59 triệu đồng), thuế TTĐB 35% (áp dụng cho xe dung tích 1.0L - 1.5L, sau khi đã có thuế nhập khẩu ); thuế VAT 10% sau khi đã có thuế nhập, thuế TTĐB... Cộng 3 loại thuế cao nhất, mức giá xe rơi vào khoảng hơn 212 triệu đồng.
Ngoài ba loại thuế trên, xe mới phải "cõng" nhiều loại phí khác như: phí trước bạ từ 10% đến 12% giá bán công bố tùy thuộc từng địa phương (233 triệu - 237 triệu), phí cấp biển số 20 triệu đồng (Hà Nội), các loại phí đăng kiểm trên 340.000 đồng/lần 1, bảo trì đường bộ 130.000 đồng/tháng.
Như vậy, tính sơ các loại thuế và phí cơ bản thì giá của một chiếc xe Hyundai i10 vào Việt Nam ít nhất cũng phải khoảng 260 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, giá xe chưa dừng lại ở đó, sau khi đóng hết các khoản thuế, phí theo quy định, giá bán của các loại xe trên thị trường còn phải cộng các chi phí của doanh nghiệp, nhà cung ứng như lưu kho bến bãi, nhà xưởng hay chi phí marketing, quảng cáo cộng vào giá thành xe...
Hiện, trên thị trường, giá một chiếc Hyundai i10 vào khoảng từ 350 - 450 triệu đồng/chiếc, tăng gấp gần 5 lần so với giá xuất xưởng của chiếc xe và tăng từ 90 triệu đến hơn 190 triệu so với xe đóng đủ các nghĩ vụ thuế.
Chính vì vậy, nên nhiều người đến các đại lý mua xe thường bất ngờ khi biết số tiền thực trả khi mua một chiếc ô tô thường cao hơn rất nhiều so với giá bán của xe. Điều này phần nào đến từ các chi phí về thuế, phí mà người mua xe phải đóng để xe có thể lăn bánh.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, do điều chỉnh TTĐB có lợi cho các loại xe dung tích nhỏ từ 2.5L trở xuống và tăng thuế với xe có dung tích từ 2.5L đến 6.0L do đó xe nhập từ các thị trường trong năm 2016 có sự xáo động mạnh, đáng chú ý là nhập xe giá rẻ từ các thị trường khác tăng đột biến như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Mỹ...
Đối nghịch, nhiều loại xe trước đây vốn có lượng nhập cao, nhưng do giá cao, chất lượng thấp hoặc không phù hợp với thị hiếu người Việt nên đã có doanh số bán giảm mạnh, thê thảm nhất là xe Trung Quốc xe Pháp, xe Nga.
Theo nhiều phân tích, việc giảm thuế TTĐB là một phần nguyên nhân khiến các phân khúc xe vào Việt Nam có sự thay đổi. Thế nhưng, một nguyên nhân khác có thể thấy rõ thuế quan có tác động lớn đối với giá và thị trường xe. Cụ thể xe ô tô nhập khẩu tại các nước ASEAN.
Với mức thuế nhập khẩu xe từ ASEAN đã giảm từ 40% (năm 2016) xuống còn 30% (năm 2017) và bắt đầu là 0% năm 2018, thì giá xe tại ASEAN về Việt Nam đáng lẽ sẽ giảm từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng so với trước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty ô tô Thiên An Phúc hiện mức giá chênh giữa đại lý với mức giá bán khi đóng thuế, phí cơ bản vẫn chênh nhau lớn. Lợi nhuận của DN vẫn nằm ở chi phí lưu kho, bãi và quảng cáo đánh vào xe và tới tay người tiêu dùng, nên có thể giá bán thực tế sẽ không giảm nhiều như kỳ vọng.