Thứ hai, 29/04/2024 | 13:02
RSS

Kỳ lạ kết quả 2 phiên tòa trái ngược trong vụ gia đình liệt sỹ 10 năm đi đòi đất

Thứ ba, 20/12/2016, 21:42 (GMT+7)

Vụ tranh chấp đất đai kéo dài hơn 10 năm nhưng điều kỳ lạ là kết quả của 2 phiên tòa sơ thẩm lại hoàn toàn trái ngược nhau, đem lại sự bức xúc trong dư luận.

Điều đáng nói, sự việc này kéo dài hơn 10 năm và tòa án các cấp ở tỉnh Sơn La đã vào cuộc nhưng kết quả lại “đá nhau” chan chát, gây bức xúc trong công luận. Đó là chuyện xảy ra với gia đình ông Đinh Văn Thành và bà Đinh Thị Hải – gia đình liệt sỹ tại bản Vạn, xã Tân Phong (Phù Yên, Sơn La)...

Làm ơn nên… oán!

Theo đơn thư của ông Đinh Văn Thành (con của liệt sỹ Đinh Văn Thông): Trước đây, vào thập kỷ 90, do ông Đinh Văn Hoạt (ở cùng bản Vạn với ông Thành) có mâu thuẫn với mẹ chồng nên ông Hoạt và vợ là bà Đinh Thị Thiêng đã tới đặt vấn đề mượn đất của ông Thành để ở nhờ một thời gian.

Gia đình liệt sỹ 10 năm đi tìm công lý 1

Bà Đinh Thị Hải đã vác đơn đi kêu cứu ở nhiều nơi mong tìm được chân lý.

Nể tình làng nghĩa xóm nên vợ chồng ông Thành đã đồng ý cho ông Hoạt mượn đất dựng tạm một ngôi nhà 3 gian trên đất của ông Thành. Tuy nhiên, sau đó ông Hoạt đã lấn dần đất của gia đình ông Thành.

Cũng theo đơn của ông Thành, thời điểm này, hai bên gia đình đã thường xuyên cãi nhau, xô sát với nhau. Đặc biệt vào cuối năm 1999, khi ông Hoạt ngang nhiên cho máy xúc về san ủi đất của gia đình ông Thành, trong đó có một phần vườn cây tình nghĩa do xã Tân Phong phát động trồng để tặng cho gia đình liệt sỹ (tức là nhà ông Thành).

Ông Thành cho biết, mâu thuẫn ngày càng cao khi năm 2007, ông Hoạt tiếp tục dựng nhà cho con gái trên diện tích này, chắn hết cửa sổ nhà ông Thành và lấn rộng ra nhiều diện tích khác.

Ông Hoạt còn “bắt tay” với gia đình ông Đinh Văn Hán và bà Đinh Thị Nghị (họ hàng với nhà ông Hoạt) cùng lấn chiếm phần sau nhà gia đình ông Thành, ép nhà ông Thành ở giữa, không có đường lui... Rất nhiều lần gia đình ông Hoạt xuống tận nhà ông Thành, dọa nạt, thách thức.

Thậm chí ông bà Thành, Hải còn bị bị hành hung ngay trước cửa nhà. Sau đó, gia đình ông Thành đã có đơn khiếu kiện với xã về sự việc trên nhưng cho đến tận bây giờ vẫn không thấy hồi âm gì.

Gia đình liệt sỹ 10 năm đi tìm công lý 2

Diện tích đất mà ông Thành tố cáo gia đình ông Hoạt tranh chấp, chiếm dụng nằm ngay trước cửa UBND xã Tân Phong, huyện Phù Yên, Sơn La. 

Nghẹn ngào trong nước mắt, bà Đinh Thị Hải (vợ của ông Thành – chủ đất, cũng là người con duy nhất của liệt sỹ Đinh Văn Thông) kể: "Suốt từ năm 1999, gia đình tôi nhiều lần đề nghị xã, bản giải quyết việc này nhưng chưa đi đến đâu. Cũng bởi bị chèn ép, bị gia đình ông Hoạt dọa nạt, thách thức, nên đến năm 2007, qua phương tiện truyền thông tôi mới biết mình có thể làm đơn kêu cứu gửi ra huyện, tỉnh".

Tòa án xử cũng “vênh nhau 180 độ”

Qua tìm hiểu được biết, diện tích đất tranh chấp này có giấy CNQSDĐ số 00386 QSDĐ/393/QĐ-UB ngày 23/10/2000 mang tên ông bà Thành, Hải và không hề có tên ông Hoạt trong đó. Như vậy, hiện tại ông Hoạt đang ở trên đất của gia đình ông bà Thành, Hải.

Ông Đinh Văn Tiến, nguyên Trưởng Ban thống kê xã, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Phong và cũng là người nhà ông Đinh Văn Hoạt cũng khẳng định: “Giai đoạn 1993 - 1995 là thời điểm đo, rà soát lại toàn bộ đất ở xã. Khi đó, tôi được xã cử làm trưởng đoàn của nhóm giao đất khu vực bản Vạn và bản Liếm.

Quá trình đo đất là đến từng hộ, mời từng hộ có đất và các hộ giáp ranh nhau để đo đất. Đất ấy là đất của gia đình ông Thành, không có ai tranh chấp vào đấy cả. Lô đất này đã được cấp trên đưa vào sổ đỏ của hộ anh Đinh Văn Thành từ năm 1996. Tôi xin cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc trên”.

Gia đình liệt sỹ 10 năm đi tìm công lý 3

Ông Đinh Văn Tiến, nguyên cán bộ đo đất cấp sổ đỏ giai đoạn 1993 – 1995 ở xã Tân Phong, khẳng định: Đất đó trước đây là của ông Thành và bìa đỏ mang tên ông Thành. 

Nhiều nhân chứng khác mà phóng viên tiếp xúc tại địa bàn bản Vạn, xã Tân Phong cũng như những vùng lân cận đó đều xác nhận rằng, mảnh đất mà ông Thành đang phải tranh chấp với ông Hoạt hiện nay có chủ sở hữu gốc là ông Thành. Khi vợ chồng ông Thành đưa đơn ra tòa kiện, sau lần xử sơ thẩm lần 1, tòa tuyên bảo vệ quyền lợi của gia đình ông Thành. Ông Hoạt đã khiếu kiện phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần 1, tòa phúc thẩm đã hủy án điều tra lại với lý do phiên sơ thẩm “chưa định giá tài sản trên đất tranh chấp”. Sau đó, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, tòa lại tuyên án ngược với kết quả sơ thẩm lần 1, tức là bảo vệ quyền lợi cho ông Hoạt khiến ông Thành lại phải tiếp tục đề nghị tòa phúc thẩm lần 2.

Trao đổi về vụ việc này, luật sư Hoàng Thị Minh Du - Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Tại phiên sơ thẩm lần 2, tòa án huyện Phù Yên đã có những vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục, bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng làm thay đổi bản chất vụ án

Những vi phạm ấy rất nghiêm trọng nên không thể khắc phục tại phiên phúc thẩm lần 2. Hy vọng tại phiên phúc thẩm lần 2 này, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La sẽ tuyên hủy án, điều tra lại từ đầu thì gia đình ông Thành, bà Hoạt mới hy vọng được Công Lý bảo vệ./.

Nhóm phóng viên điều tra Tây Bắc
Theo Đời sống Plus