Thứ ba, 19/03/2024 | 15:09
RSS

Gia đình đặc biệt của điều dưỡng trẻ, 3 anh chị em cùng chống dịch Covid-19

Thứ bảy, 27/02/2021, 11:01 (GMT+7)

3 người 3 nơi làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là "chuyện lạ" của gia đình điều dưỡng Nguyễn Danh Quang (Bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương).

Vui mừng vì được vào tuyến đầu chống dịch Covid-19

Ngay khi có dịch covid-19 tại quê hương, điều dưỡng Nguyễn Danh Quang (sinh năm 1995, công tác tại khoa Khám bệnh và cấp cứu, Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương) đã được điều động đến Bệnh viện dã chiến số 1 (đóng tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh) để hỗ trợ các đồng nghiệp làm nhiệm vụ chống dịch.  

Đối mặt với virus nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào nhưng chàng điều dưỡng trẻ măng lại có vẻ rất hớn hở.

“Ngay từ đầu mùa dịch, tôi và các đồng nghiệp đã tự lên dây cót tinh thần để sẵn sàng tham chiến bất kể lúc nào nhận được lệnh. Khoảnh khắc nhận thông báo sẽ xuất phát vào Chí Linh, tôi cảm giác rất vui mừng. Mừng vì đã có cơ hội được giúp các đồng nghiệp đang vất vả những ngày qua. Hơn nữa mình còn trẻ không vướng bận gia đình, được lựa chọn thì sẽ đỡ “nặng lòng” hơn các đồng nghiệp khác”, Quang tâm sự. 

Gia đình đặc biệt của điều dưỡng trẻ, 3 anh chị em cùng chống dịch Covid-19

Mỗi ngày Quang phải mặc những bộ đồ kín mít ngột ngạt suốt 18-20 tiếng.

Ở Bệnh viện dã chiến 1, Quang nhận được nhiệm vụ đến tận từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển mẫu. Việc truy vết phải thần tốc nên công việc của Quang quay như chong chóng từ sáng sớm đến 9-10h đêm còn chưa được nghỉ. Nhưng biết được sự quan trọng của công việc mình đang làm, lúc nào Quang cũng gồng mình, cố sức. Chỉ mong góp sức mình ở mức cao nhất, nhanh chóng giúp quê hương của mình sớm được bình yên. 

“Tuy công việc vất vả nhưng trái tim tôi lúc nào cũng bồn chồn, thổn thức. Hàng ngày nghe tin tức về dịch Covid-19 ở Hải Dương mà nóng lòng như lửa đốt. Tôi lại càng cảm thấy mình phải cố hơn nữa, bởi tôi cũng là người Hải Dương, một phần của Hải Dương", Quang chia sẻ. 

Tự hào vì góp phần bảo vệ quê hương

Nhưng vất vả về thể xác không khiến anh vất vả bằng việc phải vận động, giải thích cho người dân khi đi lấy mẫu xét nghiệm: “Chúng tôi đến nhà dân lấy mẫu, vì việc chung, vì việc chống dịch quan trọng nhưng người dân chưa hiểu nên có lúc sợ hãi, giận cả mình. 

Gia đình đặc biệt của điều dưỡng trẻ, 3 anh chị em cùng chống dịch Covid-19

Lấy mẫu đến tận khuya chưa được nghỉ.

Rồi lại thấy những ý kiến trên mạng xã hội chưa hài lòng với công tác xét nghiệm của Hải Dương. Có hôm, nhận được yêu cầu phải lấy khẩn cấp 1.000 mẫu xét nghiệm trong một xã. Cấp trên giục liên tục, anh em cố gắng lấy mẫu đến kiệt sức, đến tận khi trời tối vẫn còn 800 mẫu. Vậy là nhịn ăn, tiếp tục làm. Khoảnh khắc đó, chúng tôi vừa sốt ruột lại vừa có chút chạnh lòng”.

"Nỗi khổ" nữa là Quang phải mặc bộ đồ bảo hộ 20/24h mỗi ngày, lại thường xuyên đi lại, cử động, giải thích với người dân về quy trình lấy mẫu.

 "Bộ đồ bảo hộ kín mít nên để nói bà con nghe được thì chúng tôi phải hét lên, hét từ sáng sớm đến tối đêm. Mỗi ngày về chỗ nghỉ tạm, không chỉ tay chân, cơ thể mỏi, mất nước mà cả giọng nói cũng khản đặc", Quang kể. 

Gia đình đặc biệt của điều dưỡng trẻ, 3 anh chị em cùng chống dịch Covid-19

"Ngập" trong đống mẫu.

Vất vả là vậy nhưng Quang và đồng nghiệp chưa ai nghĩ đến việc lùi bước. Ngày lại ngày, các anh chị em lại nhủ lòng, bảo nhau cố gắng thêm, cố hơn nữa để dịch nhanh nhanh được đẩy lùi, dịch hết, quê hương yên bình thì mọi người sẽ nghỉ ngơi. 

Quang chia sẻ, mỗi ngày anh lấy mẫu xong lại tất bật đi giao mẫu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Có những lúc phải đi giữa 2-3h sáng để kịp xét nghiệm, truy vết thần tốc hơn nữa. Trời mùa đông lạnh nhưng bộ đồ bảo hộ của Quang ướt đẫm. "Lúc đó, nghĩ về nghề của mình sao thấy khổ quá, luôn tự hỏi mình tại sao lại chọn nghề này. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua vì ngẫm lại, mình đã đóng góp được sức lực vào việc chống dịch, bảo vệ quê hương, thấy tự hào, xúc động. 

Vì ở quê hương, đang có bố, có mẹ, có gia đình, bà con cần được bảo vệ. Mình nhớ đến lời mẹ dặn trước khi tiễn mình lên đường: "Chống dịch hơn chống giặc, con cứ vững tin đi làm nhiệm vụ nhé". Nghĩ đến đó là lại muốn khóc", Quang xúc động chia sẻ. 

Điều đặc biệt trong gia đình Quang đó là cùng lúc có 3 người làm nghề y căng mình chống dịch Covid-19. Anh trai của Quang là bác sĩ Nguyễn Danh Sáng (sinh năm 1990, công tác tại Khoa Ngoại, TTYT huyện Cẩm Giàng). Chị dâu là điều dưỡng Bùi Thị Chung (sinh năm 1991, điều dưỡng Khoa Phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương). 

Cũng như Quang, cả hai anh chị đều đã tham gia công tác chống dịch từ trước Tết Nguyên đán đến nay chưa về. Chỉ trong 1 thành phố mà "1 chốn 4 nơi", không được sum họp đón Tết. 

Gia đình đặc biệt của điều dưỡng trẻ, 3 anh chị em cùng chống dịch Covid-19

Khoảng khắc đón Giao thừa của hai bố con Quang.

Năm Tân Sửu này, gia đình Quang đã đón một Giao thừa rất đặc biệt. Từ 4 "điểm cầu", trong đó có 3 điểm cầu từ các bệnh viện, gia đình đã kết nối qua Zalo và chia sẻ cảm xúc, nói với nhau những lời chúc mừng năm mới. Lời nói mà bố mẹ, anh trai, chị dâu và Quang chúc nhiều nhất là mong quê hương sớm hết dịch Covid-19, bình yên, an lành, để Quang và anh chị được trở về với bố mẹ, gia đình. 

Tết Tân Sửu trong bệnh viện, "Tết" của ngày thầy thuốc (27/2) năm nay của Quang và anh chị đều sẽ không có mít tinh chúc mừng, không quà, không hoa. Nhưng món quà mà Quang chờ đợi và thích nhất hiện nay chính là nhìn bệnh nhân Covid-19 khỏe mạnh, được xuất viện. 

"Làm nghề y, việc nhìn thấy bệnh nhân vào viện, ra viện là chuyện bình thường. Chưa bao giờ, mình lại xúc động như vậy khi thấy bệnh nhân ra viện. Mỗi ngày nhìn bệnh nhân ra viện nhiều, bệnh nhân nhập viện ít là mình lại thấy gánh nặng trên vai nhẹ dần. Mình nghĩ các đồng nghiệp khác cũng như vậy", Quang chia sẻ.

Diệu Linh
Theo Dân Việt