Sức khỏe bệnh nhân là món quá quý giá nhất đối với người thầy thuốc.
Một gia đình, 3 người đi chống dịch
Ðó là gia đình của điều dưỡng Nguyễn Danh Quang (26 tuổi) của Khoa khám bệnh và cấp cứu, Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương. Anh Quang là một trong những thầy thuốc được Sở Y tế Hải Dương điều động để tiếp ứng cho Bệnh viện Dã chiến số 1 đóng tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh.
Điều dưỡng trẻ tự hào cho biết, gia đình anh có 3 chiến sĩ áo trắng tham gia chống dịch. Anh trai của Quang là bác sĩ Nguyễn Danh Sáng (31 tuổi, công tác tại khoa Ngoại, TTYT huyện Cẩm Giàng), chị dâu là điều dưỡng Bùi Thị Chung (30 tuổi, Khoa Phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương). Cả 2 anh chị của Quang đều tham gia công tác chống dịch từ trước Tết Nguyên đán đến nay chưa về.
Ở TTYT Chí Linh, điều dưỡng Quang nhận nhiệm vụ đến từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển mẫu. Công việc bắt đầu từ sáng sớm có khi kéo dài đến 9-10h tối.
Ðiều dưỡng Nguyễn Danh Quang kể: “Ngay từ khi được phân công công việc, tôi đã hoà mình ngay vào guồng máy của các anh chị em ở TTYT Chí Linh. Trong tim tôi khi nào cũng thấy thổn thức. Thổn thức khi đọc được những dòng tin tức về tâm dịch Hải Dương, về Chí Linh. Tôi cảm thấy mình như một phần ở trong đó. Anh chị của tôi cũng tham gia chống dịch nên tôi càng cảm giác tự hào hơn”.
Với những người đi lấy mẫu như Quang, điều vất vả nhất chính là nói chuyện, truyền đạt với bà con qua lớp đồ bảo hộ kín bưng. Danh Quang kể: “Bộ đồ bảo hộ thì kín nên mỗi khi muốn giải thích cho bà con về quy trình lấy mẫu, gần như chúng tôi phải hét lên. Hôm nào về, anh chị em cũng cổ họng nghẹn cứng không nói ra thành lời. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ phía trước, ai cũng thấy mạnh mẽ mà vượt qua tất cả”.
Những ngày đương đầu với covid-19 vừa qua, Quang cho biết, anh chỉ ngủ được trung bình khoảng 4 tiếng mỗi ngày. Anh tâm sự: Khoảnh khắc đi trên xe, trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm, phút giây nghĩ về nghề thật đặc biệt. Ngồi trên xe, tựa đầu cạnh đồng nghiệp, anh chị em nói đùa: “Sao ông trời sắp đặt mình chọn nghề này nhỉ?”.
Rồi lại nghĩa đến câu nói của mẹ lúc tiễn mình lên đường: “Chống dịch hơn chống giặc, các con cứ vững tin đi làm nhiệm vụ nhé”. Thế mà khóc được, nước mắt từ đâu cứ lưng tròng!”
Con gái nhỏ quên mặt bố
Ðó là câu chuyện của điều dưỡng Nguyễn Việt Anh (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai). Lên đường tiến vào tâm dịch khi con gái chưa đầy 6 tháng tuổi, anh chàng điều dưỡng trẻ đã đồng hành cùng Bệnh viện Dã chiến số 2 trong gần 1 tháng.
Kể lại câu chuyện của mình, Việt Anh nhớ lại năm đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân của mình lại có những ngày tháng xa gia đình đi vào điểm nóng.
Ngày 28/3/2020, Bệnh viện Bạch Mai phong toả, vừa cưới vợ được một tháng, điều dưỡng 9X không ngần ngại xung phong đi vào vùng phong toả, lúc này vợ chồng anh cũng vừa hay có tin vui. “Lúc tôi đi vợ khóc thút thít, còn ông bà hai bên động viên, vì cái nghề mình đã chọn con cứ đi, ở nhà có bố mẹ chăm sóc vợ”- Việt Anh nhớ lại.
Tháng 1/2021, ổ dịch tại Hải Dương bùng phát, bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Dã chiến số 2 bắt đầu đông lên. Lúc này, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai huy động ê-kíp nhi xuống hỗ trợ, Việt Anh xung phong: “Nếu Hải Dương cần, lúc nào tôi cũng sẵn sàng”.
Nhớ lại ngày lên đường tiến vào tâm dịch, Việt Anh bồi hồi: “14h ngày 5/2, tôi nhận được lệnh chuẩn bị để 15h lên xe xuất phát. Tôi chỉ kịp chào tạm biệt bố mẹ và vợ con rồi bắt xe ra bệnh viện đi luôn. Lúc ấy cũng chỉ biết nói với vợ anh đi chưa biết khi nào về, em ở nhà chăm con…Cứ thế, vợ tôi khóc sụt sùi”.
“Tôi vẫn hay đùa với mọi người, chỉ mong nhanh nhanh hết dịch để về, con quên mặt bố rồi. Còn vợ tôi, hai ngày đầu mới xuống, cô ấy stress còn không nói chuyện, chỉ cho gọi điện để nhìn con. Ngay cả kỷ niệm 1 năm ngày cưới 2 vợ chồng cũng không được gặp nhau”- Việt Anh tâm sự.
Kể lại về những ngày ở tâm dịch, điều dưỡng Việt Anh cho biết, Bệnh viện Trường Ðại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương không có khoa Nhi, những thiết bị và đồ dùng liên quan đến nhi gần như là thiếu hết. Sau khi chuyển thành Bệnh viện Dã chiến số 2 và lượng bệnh nhi tăng lên, những thiết bị đều phải chi viện mới có để điều trị. Hơn nữa, các tuyến khác cũng không có chuyên Khoa Nhi để tăng cường, những việc truyền hay lấy máu có thể nói là khó cho nhân viên ở đây, vì từ trước tới giờ họ chỉ làm cho người lớn.
Không những thế, cứ 7 ngày bệnh viện lại thay kíp trực, vừa đào tạo cho kíp này quen việc một chút thì lại đổi người. Rồi việc mặc đồ bảo hộ nên hạn chế trong việc nghe phổi cho bệnh nhi, đội ngũ cán bộ y tế phải dùng tay đếm nhịp thở thủ công và chụp X-quang để chẩn đoán.
Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn đang trước mắt, không biết ngày trở về gặp lại vợ con, gia đình là khi nào, nhưng điều dưỡng Việt Anh cùng đội ngũ cán bộ y tế vẫn đang nỗ lực hết sức mình để cứu chữa cho các bệnh nhân. Sau thời gian đầu buồn vì vắng chồng, vợ con Việt Anh vẫn luôn là nơi hậu phương vững chắc đối với anh, và ngày ngày vẫn luôn nhắn gửi rằng: “Anh cứ yên tâm công tác, ở nhà em chăm con gái, khi nào ổn anh về với hai mẹ con.