Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê nguyên liệu sau khi giảm 100 đồng ngày hôm qua, hiện Giá cà phê Tây Nguyên dao động trong khoảng 32.600 – 34.000 đồng/kg.
Một số huyện như Cư M’gar của Đắk Lắk cao nhất được 34.000 đồng/kg. Những huyện khác trong tỉnh như Ea H’Leo và thị xã Buôn Hồ cũng ở mức giá khoảng 34.000 đồng/kg. Tại thị xã Gia Nghĩa và một số huyện của tỉnh Đắk Nông, giá cà phê ở mức 33.700 đồng/kg. Tại Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, giá cà phê đang đứng ở mức 32.900 đồng/kg.
Giá cà phê robusta tại Lâm Đồng hôm nay đứng ở mức 32.500 đồng/kg. Ở một số khu vực như Lâm Hà, Di Linh… của Lâm Đồng giá cà phê cao nhất đạt 32.600 đồng/kg.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đang giảm. Giá cà phê robusta kỳ hạn tại London giao tháng 9/2019 đang giảm 4 USD/tấn (mức giảm 0,27 %) đứng ở mức 1.452 USD/tấn. Trong khi tại New York, giá cà phê arabica tháng 9/2019 giảm 0,35 USD/tấn (mức giảm 0,32%) đứng ở mức 110,40 cent/lb.
Giá cà phê tuần qua liên tục giảm.
Báo cáo từ Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết, tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của thế giới đạt 86,57 triệu bao, tăng 7,5% so với cùng kì năm trước trong 8 tháng đầu năm 2018 - 2019.
Trong đó khối lượng xuất khẩu cà phê arabica từ Brazil tăng 21,9% lên 28,22 triệu bao và từ Colombia tăng 6,8% lên 10,13 triệu bao. Xuất khẩu cà phê robusta tăng 3% lên 30,65 triệu bao trong giai đoạn từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2019 trong khi các loại khác giảm 3% xuống còn 17,57 triệu bao.
Khối lượng cà phê nhập khẩu của các thành viên ICO và Mỹ trung bình chiếm khoảng 75% nhập khẩu toàn cầu, tăng 4,9% lên 66,56 triệu bao trong nửa đầu năm 2018 - 2019. Từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, khối lượng cà phê EU nhập khẩu tăng 3,5% lên 42,71 triệu bao và của Mỹ tăng 8,1% lên 14,98 triệu bao.
Khối lượng cà phê nhập khẩu của Nhật Bản và Nga lần lượt tăng 13,5% và 4,9%, tương ứng với 3,92 triệu bao và 2,77 triệu bao. Ngược lại, nhập khẩu từ Thụy Sĩ giảm 7,4% xuống 1,53 triệu bao trong 6 tháng đầu năm 2018 - 2019. Nhập khẩu của Na Uy và Tunisia tăng lần lượt 1,3% lên 364.958 bao và 12,9% lên 282.259 bao.
Brazil là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất sang Liên minh châu Âu (EU), chiếm 20,9% lượng nhập khẩu của EU trong 6 tháng đầu năm. Theo sau là Việt Nam với 15%, Colombia 3,8%, Peru 3,6% và Honduras 3%.