Theo chuyên gia y tế, các thuốc này đều thuộc nhóm gây tác động tâm thần, có thể gây hoang tưởng ảo giác, người dùng có thể "gặp quỷ"...
Hình ảnh thuốc thôi miên bán công khai trên nhiều mạng xã hội (Ảnh: IT)
Ngày 7.11, bác sĩ Lý Trần Tình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - cho biết, thuốc gây tác động tâm thần (thuốc mê, thuốc thôi miên, thuốc ngủ) đều có tác dụng điều chỉnh cảm xúc, thay đổi hành vi, tư duy của người sử dụng. Các nhóm thuốc này đều là những thuốc phải “đặc biệt” kê đơn, thường dùng cho người bị trầm cảm, mất ngủ hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Người bệnh phải được chỉ định đúng thuốc, đúng liều lượng và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ. Nếu có vấn đề sức khỏe cần phải điều chỉnh liều lượng hoặc ngưng sử dụng thuốc.
Còn người bình thường sử dụng các thuốc này, lại không đúng liều lượng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cảm xúc, hành vi. Nhẹ thì kích động, hoang tưởng gặp "quỷ" hay bị quái vật tấn công nên gây ra các hành vi hại mình, hại người. Còn nặng có thể hôn mê hoặc “ngủ” luôn.
Hiện nay trên nhiều trang mạng xã hội đang rao bán công khai nhiều loại thuốc ngủ, thuốc gây mê, thuốc kích dục. Đặc biệt, thuốc thôi miên Scopolamine được còn được quảng cáo có tên gọi “hơi thở của quỷ”, có tác dụng ‘chữa trị bệnh nhân thần kinh bị hoảng loạn tâm lý”. Trang mạng này cũng quảng cáo:
“Thuốc mê thôi miên Scopolamine là thuốc dạng bột pha vào nước hoặc tẩm vào khăn hoặc dùng bằng cách thổi bay trong không khí, hiệu quả nhanh tức thời. Khiến người bệnh mất tự chủ bản thân… Loại thuốc này không màu, không mùi, không vị, dễ bay trong không khí.. có khả năng tạo giấc mơ kỳ lạ… có thể gây ra tình trạng hoang tưởng ảo giác mạnh… gây mất trí nhớ”…
Nhận định điều này, bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 khẳng định, việc mua thuốc ngủ, thuốc thôi miên, gây mê trôi nổi, không kê đơn, sử dụng không đúng đối tượng đặc biệt nguy hiểm.
Theo bác sĩ Cương, thuốc tác động tâm thần có hai dạng: Ức chế và kích thích. Thuốc ức chế thần kinh (mà thuốc ngủ là 1 dạng) khiến bệnh nhân kích động tâm thần bình ổn hơn hoặc là ngủ say. Còn thuốc gây kích thích dành cho bệnh nhân trầm cảm, u uất. Các thuốc gây kích thích thường làm bệnh nhân hưng phấn hơn, sảng khoái tinh thần, vui vẻ, nhìn thế giới toàn màu hồng.
Nếu dùng quá liều các thuốc này có thể gây ngủ “không thể tỉnh lại” hoặc gây cảm giác mạnh, loạn thần, gây ảo giác. Lúc đó, người bệnh sẽ hoang tưởng gây ra các hành vi bất thường không sợ chết, tự sát hoặc tấn công người khác.
“Đó là chưa kể đến việc các đối tượng xấu có thể mua thuốc thôi miên, thuốc ngủ để làm người khác hôn mê, ảo giác, sau đó làm hại họ” - bác sĩ Cương nhận định.
Trong khi đó, trên thực tế cũng đã ghi nhận một số vụ đối tượng xấu đã dùng thuốc ngủ, thuốc mê để lừa tiền, cướp của hoặc xâm hại. Một số người mất tiền đều cho biết, họ bị một đối tượng lại gần, hỏi chuyện, sau đó trí nhớ bị “xóa trắng”, đến khi sực tỉnh thì đã mất tiền, mất vàng.
Bác sĩ Cương cho biết, theo quy định của Bộ Y tế thì trừ một số thuốc không cần kê đơn (các loại thuốc trị cảm cúm, nhỏ mắt, nhỏ mũi, thuốc ho, giảm sốt, tránh thai…) thì tất cả các thuốc đều phải được kê đơn, thuốc phải được bán bởi các nhà thuốc được cấp phép…
Các doanh nghiệp được quyền nhập thuốc, bán thuốc cũng phải được cấp phép theo quy định. Các cơ quan chức năng cần phải có sự kiểm tra để nghiêm cấm hành vi bán thuốc trên các trang mạng, thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt với nhóm thuốc gây tác động tâm thần.