Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:13
RSS

Nỗi kinh hoàng khi tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do đánh nhau

Thứ hai, 07/11/2016, 06:49 (GMT+7)

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức, không chỉ dịp Tết, nghỉ lễ, mà hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận ca bệnh nhập viện do đánh nhau. Hầu hết họ đều là để tử của ma men.

Theo các bác sĩ bệnh viện Việt Đức, hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp là nạn nhân của đánh nhau

Theo các bác sĩ bệnh viện Việt Đức, hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp là nạn nhân của đánh nhau

Đánh nhau chỉ vì ngứa mắt

Trường hợp của Nguyễn Văn Dương và Trần Mạnh Thái trú tại Gia Lâm, Hà Nội đều là bạn làm cùng công ty. Trong một trận đá bóng vào cuối tuần, cả hai cùng bạn bè đi nhậu nhẹt và trong lúc uống bia, vì người này chê bai người kia, chỉ trong vài phút, họ lao vào ẩu đả.

Dương thấy chiếc dao chặt mía của người bán hàng đã lấy chém vào bả vai của Thái. Không chịu để yên, Thái cũng lao vào trong bếp lấy con dao khác chém vào cánh tay của Dương. Bạn bè không dám can ngăn vì ai cũng sợ hai kẻ cầm dao đã ngà ngà say.

Người thân vì lo sợ nên đã đưa hai người đi cấp cứu ở hai viện khác nhau. Dương được đưa vào Bệnh viện Đức Giang còn Thái được đưa vào Bệnh viện Hoè Nhai cấp cứu khâu và cầm máu vết thương.

Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ vẫn không thể nào quên những ca trực ban đêm với những trường hợp cấp cứu do đánh nhau. Điều dưỡng T., khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức tâm sự: "Dịp Tết đã là quá kinh khủng, còn ngày thường thì hầu như ngày nào cũng có ca vào viện do đánh nhau. Có những ca chỉ băng bó vết thương nhưng có những ca thì bệnh nhân bị chấn thương nặng.

Ví dụ như trường hợp của em Bùi Ngọc D. trú tại Thái Bình vào viện cấp cứu vì tụ máu não. Trước đó, D. sau khi thi xong lý thuyết bằng lái xe ô tô, D đã đi uống rượu liên hoan với bạn bè.

Vì đã có hơi men trong lúc ăn uống, D đã va chạm với bàn ăn bên cạnh rồi gây gổ đánh nhau. Kết quả, D. bị tụ máu não vì bị đối phương lấy ống tuyp quật vào đầu. D hôn mê điều trị ở Thái Bình không khả thi, gia đình đưa em lên Bệnh viện Việt Đức".

Bố của D. đau khổ cho biết: Vì thi đại học không được nên ngay từ khi học xong cấp 3, D đi học lái xe ô tô và hôm liên hoan là D. đã thi xong lý thuyết, chỉ còn chờ thi thực hành. Vì bị thương nên cậu phải bỏ thi thực hành. Gia đình D lo lắng đứng ngồi không yên vì không biết sau khi điều trị xong, cậu có bị biến chứng gì không.

Trường hợp của Vũ Quang Th. 20 tuổi, sinh viên tại Hà Nội, do ở nhà mất mạng internet nên Th. mang máy tính ra một quán café gần nhà để gửi mail cho bạn bè. Khi ra đến quán, cậu gặp một nhóm thanh niên đang cãi nhau và vô tình trở thành nạn nhân của nhóm khi hứng trọn một nhát dao khiến cậu bị nứt sọ phải vào bệnh viện cấp cứu.

Ảnh hưởng tới nhân cách

Theo bác sĩ Lý Trần Tính – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - rượu, bia là chất kích thích nên khi sử dụng nhiều người thường dễ mất kiểm soát, bị kích động. Nguy hiểm hơn là những người say rượu bệnh lý, rối loạn tâm thần do rượu sẽ dễ bị sảng rượu, hoang tưởng, nghĩ mình bị hãm hại nên rất dễ gây án.

Do đó, không nên va chạm, lớn tiếng, tranh cãi với những người say rượu để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các bằng chứng khoa học cho thấy rượu bia tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não. Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với các tác động này.

Ở trẻ em, rượu bia có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập. Cụ thể, rượu bia làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ do chất rượu cồn đã gây nhiễu loạn hoạt động truyền tải glutamate (hóa chất chuyên chở tín hiệu giữa các tế bào thần kinh) của các cảm thụ quan trong vùng đồi hải mã, gây rối loạn hóa học và sinh lý học thần kinh ở vùng đồi hải mã.

Bên cạnh đó, uống rượu bia còn gây ra các hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên như: quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn giao thông chấn thương khi đang điều khiển phương tiện, máy móc, bạo lực,... từ đó có thể dẫn đến những hệ lụy lâu dài ảnh hưởng tới xã hội.

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Những hậu quả đó là: khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần, khả năng tham gia bạo lực cao gấp 6 lần, nguy cơ tai nạn giao thông cao gấp hơn 6 lần, chấn thương gấp gần 5 lần sau uống rượu, bia.

Việt Nam trong liên tiếp 2 thập kỷ gần đây đang trở thành một trong các quốc gia có mức tiêu thụ đồ uống có cồn tăng rất nhanh qua các năm. Thanh thiếu niên Việt Nam tình hình tiêu thụ rượu bia cũng ở đang gia tăng ở mức đáng báo động.

Kết quả của Điều tra quốc gia vị thành niên Việt Nam năm 2009 cũng cho thấy 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động từ 1 tuần trở lên. Đây thực sự là con số báo động.

Khánh Ngọc
Theo Infonet