Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có gần 50% số trường/ngành chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định, sau đợt xét tuyển đợt 1 vừa qua, các trường còn tuyển thiếu chỉ tiêu có thể xem xét tuyển sinh bổ sung từ sau ngày 14/10 cho đến hết năm 2020.
Do đó, thí sinh cần cập nhật thông tin tuyển sinh của các trường đại học mà mình có nguyện vọng theo học để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bố sung vào trường. Lý do bởi các đợt xét tuyển bổ sung sẽ không có một cơ sở dữ liệu chung như ở đợt 1 mà mỗi trường sẽ đưa ra các quy định và thời hạn khác nhau.
Ảnh minh họa
Theo VietNamNet, trong đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt là các trường thuộc top đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên có tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho các em thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1.
Ngoài ra, các thí sinh còn có thể cân nhắc cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế trong đó cân nhắc các điều kiện về ngoại ngữ, mức học phí khi tham gia xét tuyển vào các chương trình này.
Đồng thời, các trường tổ chức tuyển sinh bổ sung có trách nhiệm công bố các thông tin về chỉ tiêu, thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển, mức điểm nhận hồ sơ với yêu cầu không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1. Các trường có thể xét tuyển bổ sung theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, sử dụng các phương thức khác hoặc kết hợp các phương thức với nhau.
Tuy nhiện, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường sau khi kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đăng ký thì mới thực hiện xét tuyển để bảo đảm công bằng cho mọi thí sinh. Phương thức xét tuyển là lấy kết quả từ cao xuống thấp và không được vượt quá chỉ tiêu xác định.