Nhiều người nhập viện sau khi ăn đồ phát từ thiện. Ảnh: Báo Bảo vệ pháp luật
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ngày 3/4, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương xác nhận, có hàng chục người dân phải nhập viện sau khi ăn đồ từ thiện được phát tại một lễ hội (thành phố Thuận An), nghi ngộ độc thực phẩm.
Theo vị lãnh đạo này, các thành viên trong đoàn múa lân sư rồng tại lễ hội kể lại, khoảng 4-5h sáng cùng ngày, sau khi ăn bánh mỳ, bánh bao của người dân phát, nhiều người trong đoàn múa lân xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt... nên được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Thuận An để kiểm tra.
Thông tin từ Trung tâm Y tế thành phố Thuận An cho biết, có 47 ca nhập viện với triệu chứng ban đầu là: ói, đau bụng, tiêu lỏng... Hầu hết các triệu chứng này xuất hiện sau khoảng 1- 2 giờ ăn bánh mỳ, bánh bao… được cấp phát từ thiện. Đến thời điểm hiện tại có 5 ca nhẹ đã được xuất viện; còn 42 ca sức khỏe đã ổn định và đang tiếp tục nằm theo dõi tại cơ sở y tế này.
Hiện nguyên nhân vụ việc trên đang được Trung tâm Y tế thành phố Thuận An cùng các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra; đồng thời điều trị cho các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm.
Bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Thuận An khám, điều trị. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
Liên quan đến ngộ độc thực phẩm, theo thống kê của Bộ Y tế, tính chung quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn khiến nhiều người phải nhập viện điều trị.
Điển hình là vụ ngộ độc xảy ra trong tháng 3/2024 tại quán cơm gà Trâm Anh (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khiến 369 người phải đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus là các vi khuẩn gây ngộ độc được tìm thấy trong cơm, gà xé, sốt trứng, rau dưa chua, hành phi.
Theo Cục An toàn thực phẩm, điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ là những nguyên nhân chính gây ngộ độc.
Ngoài ra, cũng phải kể đến các nguyên nhân khác như: quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm…