Ngành công nghiệp làm đẹp được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt tại Việt Nam, nơi có thị trường cởi mở và người dân có ý thức, điều kiện chăm sóc cá nhân ngày càng tốt hơn. Sự phát triển của ngành này kéo theo sự bùng nổ của hàng loạt những trung tâm thẩm mỹ, spa, những dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, tạo ra cơ hội việc làm cho một bộ phận lớn người lao động, đem lại mức thu nhập hấp dẫn.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, ngành Làm đẹp - Thẩm mỹ ứng dụng vẫn phát triển manh mún, tự phát, công nghệ lạc hậu, kiến thức khoa học non yếu, trình độ thấp. Lực lượng lao động có chất xám chuyên ngành và tay nghề kỹ thuật cao tham gia vào thị trường ít ỏi. Đào tạo chuyên ngành thẩm mỹ ứng dụng thiếu bài bản, chuyên nghiệp. Điều này là rào cản cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành làm đẹp, dẫn đến nguy cơ bỏ lỡ một thị trường tiềm năng.
Phát biểu tại lễ ký kết, Ông Trần Vân Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, Giám đốc FPT Polytechnic Hồ Chí Minh cho biết: “Hợp tác giữa FPT Polytechnic và Académie Mary Cohr là một bước đột phá quan trọng nhằm thay đổi bộ mặt chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành thẩm mỹ, mang đến một thế hệ chuyên gia làm đẹp, doanh nhân kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp thành công, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành thẩm mỹ.”
Cụ thể, FPT Polytechnic cùng Académie Mary Cohr (AMC) sẽ tiến hành hợp tác phát triển và hoàn thiện chuyển giao các chương trình đào tạo ngành Làm đẹp - Chăm sóc da trong thẩm mỹ ứng dụng tại Việt Nam theo chuẩn khoa học của AMC, chuẩn hóa hệ thống bằng cấp, chứng chỉ FPT Polytechnic - AMC.
Đáng chú ý, 07 chương trình đào tạo sẽ được chuẩn hoá theo học trình Pháp, phù hợp với đa dạng đối tượng sinh viên, giảng viên, người đi làm có nhu cầu học tập hoặc nâng cao vốn kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực làm đẹp.
Thời lượng học tập - thực hành sẽ từ 200 giờ tới 3.000 giờ tuỳ theo đào tạo khoá ngắn hạn, hay đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cử nhân cao đẳng; Bằng cấp, chứng chỉ do FPT Polytechnic hay do AMC cấp theo chuẩn của Pháp.
Trong khuôn khổ hợp tác, AMC còn hỗ trợ soạn thảo chương trình đào tạo và chuyên đề cho giáo viên chuyên ngành Làm đẹp - Chăm sóc da để đáp ứng nhu cầu giảng dạy của FPT Polytechnic và thị trường chung; Đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu thực tập, việc làm và các hoạt động khác có liên quan để phát triển chương trình đào tạo ngành Làm đẹp - Chăm sóc da tại Việt Nam.
Bên cạnh lễ ký kết hợp tác trong hoạt động đào tạo cùng AMC, FPT Polytechnic đồng thời tiến hành ký kết hợp tác trong hoạt động cung ứng nguồn nhân lực với 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp tại Việt Nam. Những mối quan hệ này sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác và phát triển tiếp theo, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên và ngành công nghiệp làm đẹp.
AMC và FPT Polytechnic cũng công bố gói Học bổng trị giá 1.000.000 USD nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên có cơ hội học tập. Sinh viên khi theo học chương trình làm đẹp hợp tác của AMC và FPT Polytechnic sẽ nhận được học bổng 30%, 50% hoặc 100% học phí dựa trên kết quả học tập. Đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng, trang bị nghề nghiệp trong môi trường đào tạo chuyên nghiệp, tiên tiến.
Bên cạnh đó, AMC còn có “Gói hỗ trợ sinh viên Khởi nghiệp - Đổi mới - Sáng tạo". Gói hỗ trợ này sẽ cung cấp các nguồn lực tài chính, đào tạo chuyên sâu, và sự tư vấn từ các chuyên gia trong ngành. Nhờ đó, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội phát triển ý tưởng đột phá, xây dựng start-up và thực hiện bước đầu vào cuộc hành trình khởi nghiệp của mình.
Với chủ đề “Điểm xoay chuyển & Định vị đẳng cấp quốc tế đào tạo làm đẹp tại Việt Nam”, các diễn giả và chuyên gia quốc tế đã mang tới nhiều thông tin, góc nhìn mới, từ đó khơi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo và tiến bộ trong ngành. Qua tọa đàm này, có thể thấy rằng, việc hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế trong việc đào tạo ngành làm đẹp tại Việt Nam đã và đang là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Hơn thế, thông qua nâng cao chất lượng đào tạo, bản thân người học cũng sẽ có được vị thế tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà hoàn toàn có thể cạnh tranh với các chương trình đào tạo tương tự trên toàn cầu.