Nữ sinh Lớp 7 đạt 8.0 IELTS ngay trong lần thi đầu tiên
Phương Linh, lớp 7A3, trường THCS Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 8.0 IELTS trong lần thi đầu tiên với điểm Reading (Đọc) tuyệt đối.
Phương Linh đạt 8.0 IELTS trong lần thi đầu tiên. Ảnh: Vnexpress.net
Bùi Phương Linh đạt điểm số này sau bài thi trên máy ngày 1/9. Điểm kỹ năng Speaking (Nói) và Writing (Viết) của Linh đều được 7.0, Listening (Nghe) đạt 8.0.
Chia sẻ với báo Vnexpress, Linh nói: "Em nghĩ kết quả ổn nhưng không ngờ được 8.0".
Chị Nguyễn Phương Thảo, mẹ Linh, cũng bất ngờ khi con được điểm cao. Là giáo viên dạy tiếng Anh, chị hiểu năng lực của con nhưng biết IELTS là kỳ thi khó, bài thi trên máy cần nhiều thao tác chính xác. Vì thế, ban đầu hai mẹ con chỉ định thi để thử sức.
Trên website, IDP - một trong ba tổ chức sở hữu bài thi IELTS trên thế giới cho biết dưới 3% số thí sinh đạt được mức điểm 8.0. Còn theo thống kê năm 2022 trên trang chủ IELTS, chỉ 4% thí sinh ở Việt Nam đạt mức điểm này. Bài thi không giới hạn độ tuổi, nhưng IDP khuyến khích thí sinh đăng ký khi đủ 16 tuổi trở lên.
Nữ sinh lớp 11 đạt 9.0 IELTS khi chưa từng "cày cuốc:
Đầu tháng 9 vừa qua, báo VTC giới thiệu câu chuyện của Kiều Hà Trang, học sinh lớp 11 Anh 2, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng nhận được thông báo đạt 9.0 IELTS. Trong đó, cả ba kỹ năng Nghe, Nói, Đọc của Trang đều đạt 9.0, riêng kỹ năng Viết đạt 8.0.
Kiều Hà Trang đạt 9.0 IELTS với 3 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc
Nữ sinh bất ngờ với kết quả này vì mục tiêu đặt ra ban đầu của em là 8.0 - 8.5. “Thực ra em chưa bao giờ “cày cuốc” vì điểm số mà chỉ xem tiếng Anh như công cụ để giao tiếp, học tập. Nhưng trước khi thi em vẫn đặt ra ngưỡng mong muốn đạt được để làm mục tiêu phấn đấu”, Trang nói.
Là học sinh lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Trang cho biết đây là lợi thế của em vì bạn bè xung quanh đều sử dụng tiếng Anh khá nhuần nhuyễn.
“Chúng em sử dụng tiếng Anh hàng ngày. Em có một cô bạn thân, em và bạn ấy mỗi khi gặp nhau cũng đều nói chuyện bằng tiếng Anh khá tự nhiên”, nữ sinh cho hay.
Thực tế, để làm được như vậy, Trang cho biết em đã được tiếp xúc với tiếng Anh từ khá sớm.
Khi lên 3 tuổi, mẹ Trang bắt đầu cho con tiếp xúc với tiếng Anh thông qua việc nghe thụ động từ sách nói hoặc truyện. Lớn hơn một chút, Trang được mẹ mua cho những cuốn sách thiếu nhi viết bằng tiếng Anh. Mẹ đồng hành cùng em học những từ vựng gần gũi, giao tiếp với em bằng những câu hội thoại đơn giản.
“Có thể nói, mẹ là người đầu tiên đưa em đến với ngôn ngữ này”, nữ sinh nói.
Cũng nhờ thế, Trang dần quen với việc tư duy và sử dụng tiếng Anh. Những năm cấp 1, cấp 2, Trang từng giành được nhiều giải thưởng thành phố và quốc gia liên quan đến môn học này.
Nhưng đến cấp 3, nữ sinh cảm thấy “không còn hứng thú với các cuộc thi” nên chỉ dùng tiếng Anh như một thứ ngôn ngữ để giao tiếp và phục vụ cho việc học tập.
“Em thích chơi game nên thường kết bạn với những người bạn nước ngoài qua game. Chúng em hay nói với nhau về những câu chuyện trong game hoặc những điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, em cũng “sống” trong tiếng Anh thông qua những thứ mình yêu thích như đọc sách, xem phim, nghe nhạc…”, Trang chia sẻ.
Trang cho biết, hầu hết từ vựng em có được đều thông qua các kênh này. Điều đó giúp em ấn tượng, ghi nhớ sâu hơn thay vì ngồi học thuộc những từ riêng lẻ, không có bối cảnh.
Nữ sinh cũng có sở thích đọc truyện trinh thám, kinh dị, vì vậy thường tìm đọc những cuốn sách bằng tiếng Anh để sát với nội dung tác giả muốn truyền tải. Gần đây nhất, Trang đã đọc xong cuốn “A Time to Kill” và “Sycamore Row” của John Grisham. Hiện tại, nữ sinh bắt đầu đọc cuốn “The Glass Castle” của Jeannette Walls.