Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:27
RSS

F0 điều trị tại nhà không khai báo sẽ bị xử phạt như thế nào?

Thứ tư, 09/03/2022, 11:43 (GMT+7)

Bệnh nhân là F0 nếu âm thầm điều trị tại nhà, không khai báo y tế có nguy cơ bị phạt tiền và mất quyền lợi tiền trợ cấp chế độ ốm đau.

Báo sức khỏe & đời sống dẫn nguồn từ Bộ Y tế cho biết, số ca mắc mới Covid-19 ở nước ta 7 ngày qua hơn 134.000 ca/ngày. Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ 27/4/2021) đến nay, ca nhiễm trong nước ghi nhận là 4.769.355 ca, trong đó có 2.786.525 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương có số ca nhiễm cao nhất trong đợt dịch này là TP. Hồ Chí Minh (554.540), Hà Nội (460.001), Bình Dương (318.635), Bắc Ninh (194.520), Quảng Ninh (131.222).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh thành, nhất là ở Hà Nội, TP HCM. Biến chủng này thay thế dần biến chủng Delta.

Với tình hình diễn biến phức tạp, số F0 tăng cao, hầu hết bệnh nhân là F0 đều tự điều trị tại nhà. Theo quy định của Chính phủ, người bệnh là F0 điều trị tại nhà phải khai báo đầy đủ và trung thực. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu F0 không khai báo sẽ gây hại cho bản thân F0, người thân và cả cộng đồng. 

F0 điều trị tại nhà không được ra khỏi phòng

Không phải mọi F0 đều được cách ly tại nhà. Theo Quyết định 261/QĐ-BYT, chỉ những F0 không có triệu chứng hoặc có nhưng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất mùi, mất vị, không thở bất thường, không mắc bệnh nền... và có khả năng tự chăm sóc bản thân, liên hệ cơ quan y tế thì mới được cách ly tại nhà.

Theo đó, những F0 này phải cách ly, điều trị tại nhà đủ 07 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc do F0 tự thực hiện nhưng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Nếu sau 07 ngày kết quả xét nghiệm vẫn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19) hoặc 14 ngày (nếu chưa tiêm đủ liều).

Như vậy, theo quy định hiện nay, các F0 khi điều trị tại nhà phải thực hiện cách ly y tế. Căn cứ Công văn số 8728/SYT-NVY, khi cách ly y tế tại nhà, F0 phải thực hiện nghiêm quy định sau:

- Không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly.

- Không sử dụng chung vật dụng (bát, đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng...) với người khác.

- Không ăn uống cùng với người khác.

- Không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi.

Như vậy, khi F0 điều trị tại nhà, tuyệt đối không được ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly (đủ 07 ngày).

F0 điều trị tại nhà không khai báo sẽ bị xử phạt như thế nào?

Ảnh minh họa.

F0 điều trị tại nhà không khai báo sẽ bị xử phạt như thế nào?

Theo điểm a khoản 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người có hành vi "che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mặc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Trong đó, Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế đã quy định Covid-19 được liệt kê là một trong những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Người mắc Covid-19 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với Trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Ngoài ra, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định 117 với mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Do đó, người bị mắc Covid-19 phải khai báo y tế với Trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi đang sinh sống và điều trị. Đây là quyền lợi và nghĩa vụ bắt buộc đối với F0.

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 11 nghị định 117/2020 NĐ-CP quy định, người nào có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng. Trong trường hợp hành vi vi phạm nêu trên dẫn đến việc lây bệnh cho người khác thì đối tượng liên quan sẽ bị xử lý hình sự.

F0 không khai báo sẽ không được hưởng tiền trợ cấp chế độ ốm đau

Khoản 1 Điều 100 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành quy định, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động điều trị bệnh tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trong đó, theo điểm a khoản 1 Điều 20 của Thông tư 56/2017/TT-BYT, Giấy này do cơ sở khám, chữa bệnh đã dược cấp giấy phép hoạt động cấp.

Trong mọi trường hợp, F0 điều trị tại nhà vẫn cần phải khai báo với Trạm y tế để có được Giấy xác nhận hoàn thành điều trị Covid-19, hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Nếu không khai báo, người lao động sẽ không được cấp Giấy và sẽ đánh mất quyền lợi này. Ngoài ra, việc khai báo với Trạm y tế cũng là cần thiết để người dân được hướng dẫn về cách thức cách ly, điều trị.

Theo quy định tại Điều 100, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 cần hai giấy tờ: 

- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú.

- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. 

F0 điều trị tại nhà cần phải khai báo với Trạm y tế để được cấp giấy xác nhận hoàn thành điều trị Covid-19/giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật BHXH. Nếu không khai báo, người lao động sẽ không được cấp giấy và mất quyền lợi này.

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại