Bệnh nhân được cách ly điều trị tại TP.HCM.
Theo đó, từ 7h sáng ngày 02/02/2020, Bộ Y tế sẽ có thêm một đường dây nóng để tư vấn người dân các biện pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona là 1900 9095.
Đường dây nóng 1900 9095 được thực hiện với sự hợp tác của Tổng Công ty Viễn thông Viettel và sẽ hoạt động song song với đường dây nóng 1900 3228. Bộ Y tế cho biết, các cuộc gọi đến số điện thoại này đều miễn phí.
Như vậy, từ 02/02, Bộ Y tế sẽ có 2 đường dây nóng hoạt động 24/24 để đáp ứng nhu cầu được tư vấn của người dân.
Đường dây nóng miễn phí của Bộ Y tế tư vấn chống dịch corona
Ngoài các đường dây nóng của Bộ Y tế, 21 bệnh viện trên cả nước cũng đã có đường dây nóng riêng, sẵn sàng tiếp nhận thông tin dịch bệnh, bao gồm:
Ở khu vực phía Bắc: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển – Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, Bệnh viện Vinmec Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Ở miền Trung: Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Ở khu vực phía Nam: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Bộ Y tế đánh giá, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra là dịch bệnh mới, đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao, diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và đã ảnh hưởng tới 26 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Để chủ động phòng chống dịch, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn gửi toàn bộ 63 Sở Y tế, các bệnh viện, trung tâm mua sắm thuốc quốc gia và các cơ sở cung ứng thuốc yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng, chống dịch bệnh do nCoV gây ra.
Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh phải lên kế hoạch chuẩn bị đủ cơ số thuốc cho cấp độ 3 và chuẩn bị sẵn sàng cho cấp độ 4 – cấp độ cao nhất khi dịch lây lan rộng cộng đồng, tránh tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt các loại thuốc dùng để hỗ trợ bệnh nhân theo phác đồ chẩn đoán, điều trị virus corona mới do Bộ Y tế ban hành.
Các nhóm thuốc này gồm: Thuốc trợ tim, thuốc vận mạch, thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm ho, thuốc hạ sốt, dung dịch tinh thể đẳng trương, thuốc an thần, thuốc gây miễn dịch thụ động và các thuốc điều trị bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận… trong trường hợp bệnh nhân mắc những bệnh này.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc trên địa bàn, tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc, nếu phát hiện, cần xử lý nghiêm.
Trường hợp cần mua sắm khẩn cấp các thuốc ngoài danh mục thuốc đấu thầu tập trung thuốc quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá, các đơn vị báo cáo về Bộ Y tế hoặc Sở Y tế để thực hiện mua sắm thuốc trực tiếp hoặc chỉ định thầu để kịp thời đáp ứng về thời gian cung ứng thuốc.
Hiện tại, trên thế giới chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới, việc điều trị chủ yếu nhắm vào giải quyết các triệu chứng và các biến chứng.
Chiều 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại Việt Nam sau khi ghi nhận 6 ca mắc và hơn 30 người đang phải cách ly.
Chính phủ đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là "bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu", lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Hiện Việt Nam đã xây dựng 4 kịch bản để ứng phó: Kịch bản đầu tiên là đối với các trường hợp người bệnh xâm nhập vào Việt Nam; Kịch bản thứ 2 có sự lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng; Kịch bản 3 là dịch lây lan trong cộng đồng dưới 1.000 ca; Kịch bản 4 là trên 1.000 ca mắc bệnh.