Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:07
RSS

Dùng tiền lẻ đi lễ đền chùa, coi chừng biến tướng "mua thần bán thánh"

Thứ sáu, 23/02/2018, 08:52 (GMT+7)

Nhiều người đi lễ đền chùa thường có thói quen đặt tiền lẻ ở khắp các ban khi khấn vái. Chuyên gia lo ngại việc dùng tiền lẻ đặt lễ có thể biến tướng thành "mua thần bán thánh".

Dùng tiền lẻ đi lễ đền chùa, coi chừng biến tướng mua thần bán thánh
Dùng tiền lẻ đi lễ đền chùa, coi chừng biến tướng "mua thần bán thánh". Ảnh báo Thanh niên.

Xuân Mậu Tuất 2018, các đền, chùa lớn đều phát loa thông báo, khuyến cáo người dân không rải tiền lẻ; Ngân hàng Nhà nước cũng không in tiền mới mệnh giá nhỏ, nghiêm cấm đổi tiền lẻ thu phí, xử phạt nặng... song những động thái đó vẫn không ngăn cản được người dân.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, tại nhiều cửa hàng trước các phủ, đền lớn tại Hà Nội tình trạng đổi tiền lẻ vẫn diễn ra như chưa hề có những lệnh cấm. Men theo lối các cổng của phủ, hàng loạt các cửa hàng lớn bao gồm nhiều dịch vụ ăn uống, trông xe và cả… đổi tiền lẻ.

Khi khách hàng ngỏ ý muốn đổi một số tiền lẻ, chủ cửa hàng hỏi ngay muốn đổi loại nào? Bao nhiêu tiền? Bà chủ cửa hàng tư vấn, loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng tỉ lệ đổi là 10:7 (tức là đổi 10.000 đồng lấy 7.000 đồng), đối với loại mệnh giá tiền từ 5.000 đồng thì tỉ lệ đổi là 10:8, các loại tiền lớn hơn thì mức “phế” chênh lệch thấp hơn.

Dùng tiền lẻ đi lễ đền chùa, coi chừng biến tướng mua thần bán thánh
Dịch vụ đổi tiền lẻ công khai tại phiên chợ Viềng, Nam Định. Ảnh Dân trí.

Tại Nam Định, như thường lệ đêm mùng 7 tháng Giêng, phiên chợ Viềng (Nam Định) lại họp, người dân từ khắp nơi đổ về đây mua bán cầu may, vào các phủ và đền để cầu tài, cầu lộc; dịp này dịch vụ đổi tiền lẻ tại các phủ, đền tại chợ Viềng lại nở rộ, mọc lên như nấm sau mưa, theo báo Dân trí.

Từ ngoài đường vào đến các cổng phủ và đền, đâu đâu cũng thấy dịch vụ đổi tiền lẻ. Những người làm nghề siêu lợi nhuận này "bày binh bố trận" khắp nơi để "hốt bạc" tại phiên chợ mỗi năm chỉ họp đúng một lần.

Đa số các mệnh giá tiền được đem đổi là 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng. Các loại tiền lẻ này được đem vào phủ, đền đi lễ sau đó nhiều người đem rải khắp nơi mà không có ý thức cho vào hòm công đức, hòm nhang đèn như quy định của nhà đền.

Người dân đi lễ cài cắm tiền lẻ khắp mọi nơi, từ các ban thờ, bàn tay Phật, đến ao, giếng Tiên. Tất cả chỉ mong một năm làm ăn phát đạt, khấm khá, hanh thông hay bén duyên, cầu tự. 

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, chia sẻ trên Thanh niên, chuyện này xảy ra bao nhiêu năm rồi mà chưa có thay đổi. Người dân dường như có tâm lý là phải đưa đồ lễ đến tận tay các vị thần cho chắc chắn. Trước đây, các chùa vẫn có những đĩa để nhận lộc, tiền giọt dầu. 

'Người dâng lễ đặt tiền lên đó. Nhưng bây giờ lại sinh ra biến tướng cài tiền vào tượng, vào lễ. "Phải chăng họ ý thức rằng cần có một cuộc mua bán chắc chắn với thần linh. 

Họ không tin cho vào hòm công đức thì sẽ đến tay thần linh. Rồi biến tướng thành những hành vi ném tiền, nhét tiền, cài tiền kém văn hóa như vậy", GS Thịnh nói. 

Theo GS Thịnh, hiện tượng này cũng bắt nguồn từ nhà chùa, nhà đền khi không thu gom mà cứ để đó, vương vãi như thế. Lỗi ở đây là cả hai phía, từ cả người dân lẫn nhà tổ chức.

Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, những trường hợp cài tiền như trên thì không thể phạt được người đi lễ. "Chúng ta chỉ có tuyên truyền nhắc nhở người đi lễ. Ngoài ra, Ban Quản lý di tích cần nâng cao trách nhiệm. 

Họ cài lên thì ban quản lý phải có người đi thu và bỏ vào hòm công đức, chứ chưa có chế tài", ông Phúc nói. Từ trước tết, theo ông Phúc, Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng đã nhắc nhở quán triệt các điểm di tích chùa, đền… nhưng ban quản lý di tích, các thủ nhang, thủ đền chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa bố trí người thu gom kịp thời, chưa làm đúng tinh thần Bộ và Chính phủ chỉ đạo.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN