Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:56
RSS

Nhân viên ngân hàng 'thấp thỏm' trước áp lực đổi tiền lẻ mới

Thứ sáu, 19/01/2018, 12:26 (GMT+7)

Từ chối thì sợ bị giận, nhận lời lại lo không có tiền mới để đổi cho người thân, khách VIP, khiến nhiều nhân viên ngân hàng cảm thấy áp lực.

Nhân viên ngân hàng thấp thỏm trước áp lực đổi tiền lẻ mới
Nhân viên ngân hàng 'thấp thỏm' trước áp lực đổi tiền lẻ mới. Ảnh PV

Đến hẹn lại lên, cứ gần đến Tết Nguyên đán là nhu cầu đổi tiền lẻ mới để lì xì sẽ xuất hiện cao. Trong khi đó, hạn mức tiền lẻ, mới tại nhà băng có giới hạn nên bên cạnh trách nhiệm phục vụ khách VIP thì không ít nhân viên ngân hàng cảm thấy áp lực do không thể giải quyết hết việc người thân nhờ đổi tiền mới.

Thu - nhân viên phòng giao dịch một nhà băng tại quận 6 - TP HCM cho biết đã làm ở ngân hàng được 6 năm. Người thân nghĩ cô làm ở ngân hàng lại có thâm niên thì việc đổi tiền sẽ dễ dàng nên mấy ngày nay cứ gọi điện nhờ. Bản thân Thu cũng phải giải thích là tiền mới chưa có, hơn nữa số lượng hạn chế để mọi người thông cảm.

"Thế nhưng, có người hiểu cho thì không nói làm gì, số khác họ giận hờn vì nghĩ mình không giúp. Sát Tết nhiều việc, cộng thêm áp lực đổi tiền mới khiến mình rất mệt mỏi", cô tâm sự.

Thanh Nhàn - một nhân viên của ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 cũng than thở rằng, năm ngoái cô phải chạy đôn chạy đáo để lo từng tệp tiền mới cho khách lẻ, hoặc những người thân, quen vì hạn mức tiền lẻ phân bổ xuống rất ít.

"Năm nay nghe nói ngân hàng cũng được phân bổ lượng tiền lẻ, mới rất hạn chế nên mỗi nhân viên chỉ được tầm vài triệu đồng. Do đó, tôi chỉ có thể nhận đổi cho vài người thân chứ không dám nhận lời nhiều", cô chia sẻ và cho biết, nhiều khi thấy cuộc gọi đến mà không dám nghe máy vì sợ nhờ đổi tiền.

Lo người thân giận nên phải ráng kiếm một ít đổi, trong khi bản thân không có dùng cũng là nỗi niềm của không ít nhân viên ngân hàng. Như trường hợp của Hà Hương, nhân viên phòng dịch vụ khách hàng của một ngân hàng cổ phần lớn cho hay, năm rồi sát ngày Tết, cô và mấy đồng nghiệp phải đi tìm những đồng tiền đã lưu thông nhưng vẫn còn mới để kịp mừng tuổi cho các cháu.

"Tiền mới ít nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người. Tôi và các chị em phải tranh thủ nhặt, đổi tiền mới trong quỹ để dùng đỡ", Hương giãi bày.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn phía Nam cho biết, thời điểm này hai, ba năm trước, ngân hàng ông nhận phân bổ cả trăm tỷ đồng tiền lẻ mới, nhưng năm ngoái và dự kiến năm nay con số này chỉ còn khoảng một nửa, thậm chí ít hơn. "Do đó, hạn mức chia cho từng nhân viên sẽ ít lại", ông nói.

Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, cơ quan này hoàn toàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (không phân biệt tiền cũ, mới); nhưng cũng như mọi năm, trong dịp Tết Nguyên Đán, nhà quản lý vẫn quan tâm đưa ra một lượng tiền mới nhất định để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, để đáp ứng nguyên tắc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích, hạn chế những tiêu cực liên quan phát sinh...,Tết Nguyên đán năm nay Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng ra lưu thông.

Theo cơ quan này, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỷ.

Như vậy, 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết, chẳng hạn năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000-2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng, năm 2016 và 2017 là không in và chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống.

"Chúng tôi làm việc này nhằm tránh tình trạng nhu cầu tăng cục bộ dịp trước Tết Nguyên đán của người dân cho việc đi rải khắp các chùa chiền, gây phản cảm cũng như rối loạn lưu thông tiền tệ", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Trong lưu thông tiền tệ của Việt Nam hiện nay gồm có các mệnh giá từ 200 đồng đến 500.000 đồng. Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ thường tăng cao cục bộ vào dịp cuối năm để đi lễ, chùa hoặc lì xì..., dẫn đến phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch. Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì năm nay, đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 - 40 triệu đồng.

Thanh Lê
Theo Kinh tế & Tiêu dùng