Thứ hai, 25/11/2024 | 03:17
RSS

Nhiều tác dụng phụ khi mẹ bỉm dùng thuốc kích thích tiết sữa

Thứ ba, 26/11/2019, 09:55 (GMT+7)

Trước khi tính chuyện dùng thuốc kích thích sự tiết sữa, các bà mẹ đang cho con bú nên lưu ý những điều sau.

Dùng thuốc kích thích tiết sữa có thực sự tốt?

Quá trình tiết sữa ở người được kiểm soát bởi sự tương tác qua lại của nhiều loại hormon, trong đó, prolactin có vai trò đặc biệt quan trọng. Đặc biết, trong thời ký mang thai dưới tác dụng của một số loại hormon như estrogen, progesterone, insulin, cortisol và thyroxine, nhu mô tuyến vú sẽ tăng sinh hệ thống ống tuyến và nang tuyến để chuẩn bị cho việc bắt đầu tiết sữa. Quá trình tiết sữa sẽ bắt đầu khi nồng độ prolactin trong máu tăng cao.

Một số bà mẹ trẻ thường lo lắng khi đang nuôi con bằng sữa mẹ bỗng dưng sữa giảm dần. Lúc này, nhiều người chọn việc dùng thuốc kích sữa.  Khi dùng thuốc thì hầu hết các tác động của thuốc đối với quá trình tiết sữa đều thực hiện thông qua hormone prolactin.

Vì thế, người mẹ đang cho con bú ngoài việc cần tránh dùng những thuốc không tốt đối với trẻ, còn phải tránh dùng những thuốc ngăn cản sự tiết sữa hoặc ức chế phản xạ bú của trẻ.

Metoclopramide là thuốc có tác dụng kích thích tiết sữa thông qua việc ngăn chặn sự giải phóng dopamine ở hệ thần kinh trung ương, từ đó làm tăng nồng độ prolactin trong máu. Metoclopramide với liều thường sử dụng là 10-15mg, 3 lần/ngày, làm tăng rõ rệt lượng sữa bài tiết sau 3-4 ngày dùng thuốc.

Tuy nhiên, khi dùng quá liều, metoclopramide có thể gây các biểu hiện ngoại tháp như run chân tay, rối loạn vận động và trương lực. Ngoài ra, metoclopramide còn được sử dụng thành công để kích thích tiết sữa ở những phụ nữ không mang bầu trước đó, ví dụ như các bà mẹ cần sữa để nuôi con nuôi hoặc nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, lượng sữa thu được trong những trường hợp này thường không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của trẻ. Các bà mẹ đẻ non cũng thường bị thiếu sữa do trẻ không có khả năng bú.

Trong những trường hợp này, tác dụng lợi sữa và tính an toàn của metoclopramide cũng đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Song, việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của mẹ là hết sức cần thiết để duy trì tác dụng lợi sữa của thuốc.

Còn domperidone là thuốc kích thích bài tiết prolactin, một số nghiên cứu cho thấy domperidone có thể làm tăng thể tích sữa khoảng 44,5% sau 7 ngày, nồng độ của thuốc có trong sữa rất nhỏ (khoảng 1,2 mg/ml).

Domperidone từng được xem an toàn hơn so với metolclopramide vì không qua hàng rào máu não, do đó không có tác dụng phụ của hệ thần kinh để gây tác dụng phụ ngoại tháp.
Trước đây, bác sĩ thường chỉ định domperidone cho phụ nữ cho con bú vì vừa chữa chứng khó tiêu cho mẹ vừa giúp sữa tiết nhiều hơn cho con bú.

Tuy nhiên, nay phải cẩn trọng hơn vì domperidone đã được phát hiện có tác dụng phụ không tốt cho tim mạch. Domperidone chỉ được dùng trị buồn nôn và nôn, không dùng trị khó tiêu nữa.

Với các bà mẹ cho con bú nói chung, trước khi sử dụng thuốc lợi sữa, cần lưu ý giải quyết tốt các yếu tố gây mất sữa như trẻ lười bú, chế độ ăn của mẹ không đầy đủ chất dinh dưỡng… Nên đến bác sĩ để được tư vấn. Vì như nói ở trên, có loại thuốc kích thích sự tiết sữa nhưng không được dùng, có loại có thể dùng nhưng đòi hỏi phải rất thận trọng.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN