Thứ tư, 30/10/2024 | 09:59
RSS

Dự báo mùa mưa lũ diễn biến phức tạp

Thứ tư, 31/07/2024, 16:57 (GMT+7)

Theo quy luật, mùa mưa bão hằng năm tại nước ta thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12.Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia,mùa mưa lũ năm nay sẽ diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.

El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng (hoặc lâu hơn), thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. Trái ngược với El Nino, La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Chu kỳ của La Nina thường kéo dài hơn El Nino, theo số liệu quan trắc từ năm 1950, thời gian trung bình của một lần xuất hiện La Nina là 15,4 tháng, nhiều nhất 37 tháng.

Các nghiên cứu chỉ ra, sự chuyển tiếp từ El Nino sang La Nina tạo nên một dạng tàn phá vô cùng khắc nghiệt lên môi trường, và hệ sinh thái trên trái đất. Đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt vào mùa xuân, mùa đông rét kỷ lục...

Trong lịch sử, vào năm 1998, La Nina đã từng gây ra cơn bão lịch sử Mitch khiến 11.000 người tử vong và mất tích, 2.7 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa, thiệt hại về kinh tế lên đến 6 tỷ USD (năm 1998) tại Nicaragua và Honduras. Gần đây nhất, năm 2020, do sự tác động của La Nina, các tỉnh miền Trung nước ta đã phải trải qua một mùa mưa bão kỷ lục.

Theo số liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, tháng 7 năm nay ở trung tâm Thái Bình Dương,nhiệt độ đã giảm ít nhất là 0,2 độ C so với trung bình mọi năm.

Các dòng nước lạnh hơn này đẩy nước ấm sang bờ Tây Thái Bình Dương, gần về khu vực Châu Á hơn, biểu hiện là nhiệt độ nước biển ở đây đã cao trung bình, có nơi cao hơn 1-2 độ C. Đây chính là những dấu hiệu ban đầu cho thấy El Nino đang dần chuyển sang La Nina, nguyên nhân hình thành các trận bão và mưa lũ dồn dập trong giai đoạn vừa qua.

Nhiều ngày nay huyện Chương Mỹ chìm trong biển nước do mưa lớn kéo dài.

Trao đổi trên báo Tiền Phong, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia,cho biết: “Các mô hình dự báo hiện nay có sự thống nhất cao, cho rằng hiện tượng La Nina có thể phát triển trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024 với xác suất 65-75%. Sau đó tiếp tục duy trì trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 với xác suất khoảng 80-90%”.

Thực tế, ở miền Bắc nước ta, từ đầu mùa mưa tổng lượng mưa hầu hết đều cao hơn trung bình mọi năm từ 30-80%. Một số nơi còn cao hơn 80-100%. Đặc biệt tại Bắc Quang, Hà Giang và Quảng Hà, Quảng Ninh... lượng mưa riêng trong tháng 6 đã lên tới 1105 – 1271mm, cao gấp đôi so với cùng kỳ.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 8 tiếp tục là cao điểm mưa lũ ở miền Bắc. Mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn mọi năm do hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu ngày càng rõ nét. Lúc này những dòng hải lưu từ sâu dưới vùng biển Đông Thái Bình Dương nổi lên trên bề mặt, tạo ra một vùng nước mát hơn bình thường dọc theo đường xích đạo phía Đông đến trung tâm Thái Bình Dương.

Trên báo sức khỏe & Đời sống, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Dự báo tổng lượng mưa trên khu vực Bắc bộ dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm với lượng mưa phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc, Đông Bắc dao động trong khoảng từ 300-400mm; có nơi trên 500mm. Vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ lượng mưa dao động từ 250-350mm, có nơi trên 400mm

Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cũng dự báo: khoảng tháng 9, tình hình mưa bão ở các tỉnh miền Trung sẽ diễn biến rất phức tạp. Từ nay đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn đổ bộ vào đất liền.

Ngoài ra, tháng 9-11, lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ tăng lên khoảng 10-30% so với mức  trung bình hằng năm. Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này. Lượng mưa cao cũng sẽ làm gia tăng hiện tượng mưa lũ cục bộ, ngập úng đô thị.

Trần Giang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại