Thứ năm, 18/04/2024 | 21:38
RSS

Dời thêm 75 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh về bến xe Miền Đông mới từ tháng 10

Thứ sáu, 29/07/2022, 17:26 (GMT+7)

TP.HCM sẽ dời thêm 75 tuyến xe khách liên tỉnh ra hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới dự kiến vào tháng 10/2022 tới đây.


Bến xe Miền Đông mới. Ảnh internet.

Tổng công ty giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH Một Thành Viên (Samco), chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới vừa trình UBND TPHCM phương án dời thêm 75 tuyến xe khách cố định từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) qua bến mới.

Trong báo cáo, để bến xe mới hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, Samco kiến nghị Sở GTVT TP sớm ban hành quy định xe vận chuyển hành khách vào nội đô TP như hình thức city tour, cấp tem nội đô, xe trung chuyển, hạn chế xe 16 chỗ trở lên hoặc kích thước tương đương vào trung tâm TP hoặc tiến tới hạn chế và cấm xe chở khách liên tỉnh; xe hợp đồng vào trung tâm thành phố.....

Tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự vận tải như: “Bến lậu”, “xe trá hình", xe chạy sai hành trình trên địa bàn TP và có giải pháp xử lý triệt để các điểm xe đón trả khách trong nội thành, các bãi đậu, giữ xe thực hiện đúng chức năng trông giữ xe theo quy định.

Ngoài ra, Samco cũng kiến nghị Sở GTVT TP xem xét tổ chức gom các đầu bến trong khu vực và điều chỉnh, mở mới các tuyến xe buýt kết nối vào Bến xe Miền Đông mới. Đối với các tuyến xe buýt trung chuyển cần khảo sát lại để bổ sung phương án tổ chức, bố tri phương tiện cho phù hợp với lưu lượng hành khách, nhất là đặc thủ của hành khách liên tỉnh (thường mang theo hàng hoá, hành lý) đi lại giữa hai bến xe và nhu cầu hành khách từ các khu vực khác có nhu cầu về Bến xe Miền Đông mới.

Samco dự báo lưu lượng xe ra vào bến hàng ngày (trung chuyển, buýt, liên tỉnh) dự kiến bình quân khoảng 2 231 chuyến/ngày, ngoài ra còn xe “ôm”, grab, taxi nên áp lực giao thông khu vực xung quanh bến xe là rất lớn. Do đó, hạ tầng giao thông đường bộ khu vực xung quanh Bến xe Miền Đông mới cần phải hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu.

Samco đề nghị Sở GTVT đôn đốc các đơn vị có liên quan sớm đưa các công trình giao thông vào khai thác để kết nổi giao thông thuận lợi cho hoạt động của Bến xe Miền Đông mới; Tạo điều kiện kết nối cao tốc TP.HCM- Long Thành – Dầu Giây tốt hơn nữa để thuận tiện cho hoạt động của các xe liên tỉnh.

Đối với bến xe cũ ở Bình Thạnh sẽ được quy hoạch làm bãi đậu cho xe buýt sau khi hoàn thành việc di dời các tuyến xe khách. Hiện nay Samco cũng kiến nghị Sở GTVT TP và các sở, ban ngành có liên quan xem xét tham mưu cho UBND TP chấp thuận cho công ty này thực hiện điều chỉnh, lập quy hoạch chi tiết khu đất bến xe này, trong đó bố trí quy hoạch 0,7ha làm bến xe liên tỉnh chạy theo tuyến quốc lộ 13, 14... để thuận tiện cho khách vì lộ trình gần hơn khi chuyển qua bến mới.

Theo Sở GTVT TPHCM, Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2020. Ở giai đoạn 1, Bến xe Miền Đông mới tiếp nhận và khai thác 24 tuyến chạy từ Quảng Trị ra Bắc (hơn 1.100 km trở lên).

Đây là bến xe được đầu tư quy mô, hiện đại nhất nước với diện tích 16 ha, nằm trên địa phận thuộc TP Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, Bình Dương. Tuy nhiên, trong gần 2 năm đi vào khai thác, bến xe này luôn rơi vào tình trạng vắng khách kéo dài do vị trí cách trung tâm hơn 20 km, thiếu phương tiện kết nối, bến cũ ở nội đô vẫn còn.

Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên còn là do hạ tầng giao thông kết nối chưa hoàn thiện, thiếu phương tiện kết nối, tình trạng xe dù, bến cóc hoạt đồng rầm rộ...

 

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại