Thứ ba, 21/01/2025 | 17:41
RSS

Đội hình Hà Lan dự EURO 2020: "Kẻ thất bại vĩ đại" mãi sao?

Thứ sáu, 28/05/2021, 12:28 (GMT+7)

ĐT Hà Lan mệnh danh "Cơn lốc màu da cam" ví von về sức quyến rũ, lối đá tấn công tổng lực đẹp mắt. Nhưng đến giờ, họ mới chỉ có một danh hiệu vô địch EURO 1988.

ĐT Hà Lan "học tài thi phận"

Chưa bao giờ có sự cầu toàn trong lối chơi tấn công tổng lực của Hà Lan. Họ thường rất đẹp ở những năm 70 thế kỷ trước dưới thời Jonhan Cruyff, Johan Neeskens... và được tiếp nối bởi bộ ba Rijkaard - Gullit - Vanbasten vô địch EURO 1988. Kể vể nhân tài bóng đá xứ sở hoa tulip có lẽ là bất tận. Tên tuổi của Dennis Bergkamp, Robben, Van Perise... có lẽ đến bây giờ vẫn nhiều người còn nhớ. Họ là những nghệ sĩ, "ảo thuật gia" trên sân cỏ.

Đội hình Hà Lan dự EURO 2020
Hà Lan dự EURO 2020 với nhiều hảo thủ

Bây giờ là Frenkie de Jong - tiền vệ trung tâm trưởng thành từ "lò" Ajax và đã đến Barca theo một con đường tất yếu, đang thu hút mọi ánh nhìn. Cái cách Frenkie de Jong đọc tình huống, xử lý trái bóng theo một cách đơn giản, hợp lý nhất đủ để thuyết phục những chuyên gia khó tính nhất. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi vầng hào quang vô địch EURO 1988 dễ bị nhiều người quên đi. Nói tới Hà Lan, người ta lập tức nhớ tới một "kẻ thất bại vĩ đại" đã thua trong những trận chung kết World Cup 1974, 1978 và 2010. 

EURO 2020 - nơi ĐT Hà Lan khẳng định?

Tính đến trước EURO 2020, lần gần nhất người hâm mộ Hà Lan nhìn thấy đội bóng của họ "nhảy múa" trên một đấu trường lớn là khi nào? Là câu chuyện của 7 năm trước khi Hà Lan đoạt Huy chương đồng World Cup 2014 trên đất Brazil. Thời ấy, Ryan Gravenberch và Jurriën Timber – hai cầu thủ trẻ nhất của Hà Lan dự EURO 2020 mới là những cậu nhóc 12 tuổi. 

Gravenberch và Timber ngày đó nóng lòng chờ cổ vũ Hà Lan dự các giải tiếp theo nhưng rốt cuộc toàn nhận thất vọng cho đến khi chính họ được triệu tập lên tuyển. 7 năm là thời gian đủ dài đủ biến cậu nhóc CĐV hóa thành cầu thủ được kỳ vọng.  Rất khó tin nhưng Hà Lan sau thành công tại World Cup 2010 và 2014 lại vắng mặt tại VCK EURO 2016 với 24 đội tham gia.   

VCK châu Âu tại Pháp mở rộng cơ hội cho cả những đội như Iceland, Hungary hay Albania tham gia mà lại không có suất cho đội bóng có lối chơi tấn công quyến rũ bậc nhất châu Âu. Hà Lan tiếp tục gây thất vọng khi không vượt nổi vòng loại vì thua Thụy Điển ở play-off. 

Nhưng sau thời gian mất phương hướng, ĐT Hà Lan đã tìm lại được chính mình. Tại vòng loại EURO 2020, Hà Lan không còn rơi tự do mà xếp nhì bảng C với 19 điểm sau 8 trận, chỉ thua duy nhất trận thiếu may mắn với Đức (lọt lưới phút cuối).  Trước vòng loại EURO, Hà Lan cũng đã thể hiện khát vọng hồi sinh khi giành ngôi á quân UEFA Nations League 2018/19 với những chiến thắng ấn tượng trước Pháp, Đức, Anh trước khi thua Bồ Đào Nha trong trận chung kết. 

Chỉ có điều, người hâm mộ Hà Lan có chút không yên tâm trong thời gian gần đây khi đội nhà có dấu hiệu đi xuống. Tại UEFA Nations League 2020/21, Hà Lan mất ngôi đầu bảng vào tay ĐT Italia đang trong quá trình trẻ hóa.   

Còn tại vòng loại World Cup 2022 hai trận thắng trước Latvia và Gibraltar không làm khỏa lấp nỗi lo để thua Thổ Nhĩ Kỳ 2-4.  Vậy Hà Lan có thể trình diễn khuôn mặt nào tại EURO 2020? Lối chơi hồi sinh của thời điểm 2018-2019 hay sa sút của 2020-2021?.  

Hay câu hỏi xa hơn là Hà Lan chơi thành công hơn World Cup 2010, 2014 hay gây thất vọng khó tin như vòng loại EURO 2016, World Cup 2018 (?!)  Lực lượng Hà Lan hiện giờ có sự pha trộn của cả hai thời kỳ. Những tinh túy của bóng đá Hà Lan đầu thế kỷ 21 như Arjen Robben, Wesley Sneijder, Robin Van Persie, Dirk Kuyt đã lần lượt chia tay đội tuyển sau giải đấu ở Brazil cách đây 7 năm. 

Nhưng đội hình ngày đó giờ vẫn còn thủ môn Jasper Cillessen, Tim Krul, hậu vệ Daley Blind, De Vrij, tiền vệ Wijnaldum hay chân sút Memphis Depay. Những cầu thủ dự bị của 7 năm trước giờ là điểm tựa kinh nghiệm cho các cầu thủ trẻ khác của Hà Lan như Matthijs de Ligt, Frenkie de Jong, Van de Beek hay Gravenberch, Timber thể hiện tài năng. Sự vắng mặt đáng tiếc nhất là Virgil van Dijk, người không kịp bình phục chấn thương.

Nhưng nếu phải so sánh sức mạnh của Hà Lan hiện giờ và chính họ một thập niên trước thì rõ ràng Hà Lan 2010, 2014 mạnh hơn. Nhìn rõ nhất là hàng công của Hà Lan hiện giờ chưa ai đáng gọi là sát thủ tầm thế giới như Van Persie trước đây. Tổng cộng Van Persie ghi 50 bàn cho Hà Lan, nhiều hơn tổng số bàn của 7 tiền đạo được HLV Frank de Boer triệu tập. 

Xưa De Boer cũng ghi 13 bàn cho Hà Lan, điều mà ngoài Depay và Wijnaldum thì không ai trong phần còn lại của ĐT Hà Lan hiện nay làm được. Dù không mạnh như xưa, đội hình Hà Lan hiện tại với Depay vẫn dư sức vượt qua vòng bảng C khi họ được chơi trên sân nhà trước các đối thủ trung bình yếu ở châu Âu là Ukraine, Áo, Bắc Macedonia. Vấn đề còn lại là Hà Lan có thể tiến đến chung kết và lần đầu tìm ngôi vô địch sau lần đăng quang năm 1988 hay không?.

Đức Tú
Theo Dân Việt