Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:15
RSS

Doanh thu trăm tỷ của phim Việt chỉ là những con số... “quăng bom”?

Thứ ba, 16/03/2021, 10:23 (GMT+7)

Những con số doanh thu trăm tỷ mà nhiều đơn vị sản xuất và phát hành phim Việt công bố được nhiều người cho là con số mang tính chất “quăng bom”.

Doanh thu trăm tỷ chỉ là những con số "ảo"?

Mới đây, đơn vị phát hành phim "Bố già" cho biết, tính đến 9h sáng ngày 14/3, bộ phim đã chạm mốc doanh thu 200 tỷ đồng. Với con số này, "Bố già" đã xô đẩy kỷ lục doanh thu mà phim "Cua lại vợ bầu" đã lập nên trước đó.

Doanh thu trăm tỷ của phim Việt

Riêng ngày 13/3, "Bố già" đã thu về 31 tỷ đồng, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất trong một ngày. Với sức nóng chưa từng có, bộ phim dự đoán sẽ tiếp tục chạm cột mốc 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, những con số này được cung cấp từ phía đơn vị phát hành nên vẫn chưa có sự kiểm chứng.

Tham khảo số liệu từ trang thống kê doanh thu độc lập Box Office Vietnam thì trong 3 ngày cuối tuần (tính từ ngày thứ Sáu đến hết ngày Chủ nhật của tuần vừa rồi) thì doanh thu phim "Bố già" đạt được là hơn 55 tỷ với hơn 612 nghìn vé bán ra trên tổng số hơn 7.000 suất chiếu.

Điều này có nghĩa, để đạt được kỷ lục "đạt doanh thu 100 tỷ sau 4 ngày công chiếu" thì trong ngày chiếu thứ 4, doanh thu mà bộ phim này đạt được phải rơi vào con số tương đương 45 tỷ đồng, tức là gần bằng doanh thu của cả 3 ngày đầu gộp lại.

 Con số 45 tỷ đồng doanh thu trong một ngày này có thể nói là không tưởng vì từ trước đến nay, có lẽ chỉ phim "bom tấn" nước ngoài may ra mới làm được, mà giỏi lắm cũng chỉ làm được một nửa mức doanh thu này.

Trong khi đó, cũng theo số liệu từ trang Box Office Vietnam, ở mục ước tính doanh thu trong ngày, bộ phim của Trấn Thành tính đến thời điểm chiều nay 10/3 thì doanh thu trung bình trong ngày đạt được là chưa đầy 10 tỷ đồng với hơn 100.000 vé bán ra trên tổng số hơn 3.600 suất chiếu. Dựa trên những thống kê ban đầu này, nhiều người không khỏi băn khoăn, nghi ngờ về việc "Bố già" lập kỷ lục "doanh thu 100 tỷ đồng sau 4 ngày công chiếu" mà phía nhà sản xuất và đơn vị phát hành phim đưa ra.

Trước đó, rất nhiều phim chiếu rạp khác cũng tung ra những con số doanh thu làm người khác đầy thèm muốn. Chẳng hạn, phim "Cua lại vợ bầu" từng được công bố đạt 191,8 tỷ đồng; "Em chưa 18" đoạt doanh thu 170 tỷ đồng; "Gái già lắm chiêu 3" chạm mốc doanh thu 102 tỷ đồng từ 1,3 triệu lượt vé bán ra sau 6 ngày chiếu rạp... Ngoài ra, ngay giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 bủa vây, bộ phim "Ròm" cũng công bố doanh thu đạt khoảng 60 tỷ đồng, phim "Tiệc trăng máu" vươn tới con số 150 tỷ đồng.

Thoạt nhìn vào những con số "biết nói" này hẳn nhiều người sẽ cho rằng, phim Việt đang không thua kém gì các "bom tấn" của Hollywood nếu tính theo tiêu chí doanh thu trong phim vi công chiếu hẹp. Trên bình diện này, rõ ràng, việc đầu tư sản xuất phim đang là "món hời" không thể bỏ qua của các nhà đầu tư.

Thổi phồng doanh thu để PR cho phim?

Trên thực tế, đến thời điểm này, Luật Điện ảnh Việt Nam chưa có quy định nào về việc các nhà sản xuất, phát hành phim phải công bố doanh thu thật. Đồng thời, cũng chẳng có luật nào yêu cầu các đơn vị này không được phép công bố doanh thu "ảo" cả. Vì thế, để nói về tính xác thực của doanh thu trăm tỷ kiểu như trên là rất khó bởi không ai biết mức độ thật – giả ra sao, cũng chẳng ai kiểm chứng được.

Doanh thu trăm tỷ của phim Việt

Cơ sở pháp lý về điều này chưa có nên các nhà sản xuất, đơn vị phát hành dĩ nhiên có quyền "thổi phồng" doanh thu mà chẳng vi phạm điều luật nào. Vì vậy không ngoại trừ khả năng những con số doanh thu cao chót vót chẳng qua cũng chỉ là chiêu PR đánh vào tâm lý đám đông, nhằm thu hút sự quan tâm và tò mò của khán giả, từ đó kéo người xem ra rạp.

Tại một hội thảo diễn ra năm 2019, khi nhìn vào con số 1210 tỷ đồng của doanh thu phim Việt trong báo cáo, đạo diễn Vũ Hoàng Điệp cùng nhiều đạo diễn khác đã có phần thảng thốt. Nữ đạo diễn phim "Đập cánh giữa không trung" phát biểu rằng, cần phải xem lại những con số này vì không có đơn vị sản xuất hay kinh doanh nào dám công bố một cách thực tế con số chính xác trong hoạt động kinh doanh phim mà họ đã đạt được. Và chị cũng băn khoăn không hiểu tại sao lại có những số liệu về doanh thu điện ảnh lớn đến như vậy.

Bản thân diễn viên, đạo diễn Việt Anh cũng tỏ ra nghi ngờ về những con số doanh thu "khổng lồ" mà các nhà sản xuất phim Việt công bố thời gian gần đây. Theo nam diễn viên này, việc "thổi phồng" doanh thu hoàn toàn có thể xảy ra và không phải chỉ mới xảy ra thời gian gần đây. Và phần lớn những con số "khủng" kia chỉ mang tính "quăng bom" để PR cho bộ phim.

Theo tìm hiểu, cứ dựa vào lượng vé bán ra 3 ngày đầu của một bộ phim đã đoán biết được phim đó ăn khách hay không. Doanh thu 3 ngày đầu sẽ chiếm 40% doanh thu của phim sau khi rời rạp. Cho nên vòng đời của một bộ phim Việt rất ngắn. Thậm chí, có những phim chỉ vừa ra rạp đã biến mất ngay sau ba ngày chiếu.

Bên cạnh đó, nhiều rạp sẵn sàng cắt bớt suất chiếu hoặc "đẩy" vào các suất chiếu ít người xem nếu các nhà phát hành thấy phim không thật sự hút khách như phim bom tấn. Ngược lại, những phim nếu có lượng khách tăng đột biến sẽ được tăng suất chiếu lên.

Theo Cục điện ảnh, tính đến tháng 2019, trong cả nước đã có 1063 phòng chiếu tại 204 cụm rạp. Nhưng theo tìm hiểu thì các nhà phát hành vẫn đang phải dựa vào nguồn thu đến từ các bộ phim "bom tấn" của Mỹ là chủ yếu. Phim Việt vẫn chưa đủ sức thay đổi thói quen dành sự lựa chọn số 1 cho phim Hollywood mỗi khi bước chân vào rạp của số đông khán giả.

Vì lẽ đó, nhìn vào những con số doanh thu "khủng" mà các nhà phát hành hoặc nhà sản xuất phim công bố, người ta có thể thấy con số đó là thật hay ảo bởi số lượng rạp, ghế, suất chiếu của một bộ phim Việt khi ra rạp đều được thống kê khá rõ. Và như vậy, những con số doanh thu cả trăm tỷ một bộ phim rất khó lòng để có thể tin được.

Hà Tùng Long
Theo Dân Việt