Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:49
RSS

Doanh nhân chi 700 tỷ lập hãng hàng không Tre Việt là ai?

Thứ tư, 31/05/2017, 20:16 (GMT+7)

Mới đây, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua Nghị quyết thành lập công ty con - Công ty TNHH Hàng không Tre Việt tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Theo thông tin VTC đăng tải, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt vừa được FLC công bố thành lập với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết góp toàn bộ.

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), đặt trụ sở tại tầng 4, tòa nhà FLC Landmark Tower (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trao đổi với VTC, đại diện FLC cho biết doanh nghiệp (DN) mới sẽ có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không dân dụng, dù đăng ký công ty có thêm nhiều ngành nghề khác. Tuy vậy, việc thành lập công ty mới chỉ là bước đầu tiên, vì tham gia ngành kinh doanh này đòi hỏi rất nhiều thủ tục, điều kiện, hạ tầng...

tỷ phú Trịnh Văn Quyết

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết chi 700 tỷ đồng lập hãng hàng không Tre Việt. Ảnh internet

Theo báo Người lao động, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc FLC, được giao nhiệm vụ làm người đại diện quản lý phần vốn góp của FLC tại công ty hàng không. Người được giao chủ trì khâu xin cấp phép thành lập DN hàng không là ông Lê Thành Vinh, Tổng Giám đốc FLC. 

Với mức vốn này, theo báo Người lao động, Viet Bamboo Airlines đủ điều kiện tham gia thị trường vận tải hàng không nội địa và quốc tế. Vì theo quy định hiện hành, hãng hàng không tham gia vận tải nội địa phải có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỉ đồng, tham gia vận tải thị trường quốc tế phải có vốn tối thiểu 700 tỉ đồng. Mức vốn này đáp ứng ở quy mô hoạt động 10 máy bay. Quy mô đội bay lớn hơn sẽ phải đáp ứng mức vốn điều lệ cao hơn. 

Trong quá trình nộp hồ sơ xin thành lập hãng hàng không, DN phải phong toả số tiền tương đương vốn điều lệ tại ngân hàng để chứng minh có đủ năng lực tài chính để kinh doanh hoạt động hàng không.

Cũng theo Nghị quyết của HĐQT tập đoàn FLC, ngành nghề kinh doanh đăng ký của Viet Bamboo Airlines không chỉ hoạt động trong lĩnh vực hàng không mà còn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản xây dựng nhà các loại và kinh doanh thương mại dịch vụ khác như ngành nghề chính của Tập đoàn, báo Người lao động thông tin.

Theo Zing, thị trường hàng không Việt Nam hiện nay mới chỉ có 4 cái tên lớn gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO, trong đó quyết liệt nhất vẫn là cuộc chiến tay đôi giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air. Tuy nhiên thị trường này có thể được mở rộng hơn trong thời gian tới, khi hàng loạt DN đang xếp hàng chờ bay.

Cũng theo Zing, cuối tháng 3, hãng hàng không giá rẻ Air Asia đã bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh để tiến tới lập hãng hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietstar Airlines cũng đang liên tục thực hiện các thủ tục xin cấp phép bay, nhưng chưa được chấp thuận do hạ tầng quá tải.

Mới đây, Vietnam Airlines cũng gấp rút xây dựng đề án thành lập hãng hàng không SkyViet trên cơ sở tổ chức lại VASCO. Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Vietjet Air, Vietnam Airlines những năm gần đây liên tục đánh mất thị phần bay nội địa.

Thị trường sôi động nhưng rủi ro của ngành kinh doanh đặc thù này có thể sẽ là bài học lớn để các hãng cân nhắc về chiến lược.

Đỗ Thu Thoan
Theo Vietq.vn