Lý Nhã Kỳ từng tuyên bố mua 21 căn hộ Riva Park được xây dựng trên khu đất gần 5.000 m2 đang vào "tầm ngắm" của Thanh tra Chính phủ
Kích cầu nhờ Lý Nhã Kỳ
Dự án Riva Park tọa lạc tại địa điểm 504 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP Hồ Chí Minh do CTCP thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal) làm chủ đầu tư. Đây là một trong ba dự án được Vietcomreal triển khai, khởi công xây dựng vào tháng 12/2015 và chính thức cất nóc vào đầu tháng 1/2017.
Ngoài vị trí đắc địa khi sở hữu tới ba mặt tiền đường lớn của Quận 4 là Nguyễn Tất Thành - Tôn Thất Thuyết – Đoàn Văn Bơ và nằm ngay sát hợp lưu của sông Sài Gòn và sông Kênh Tẻ, căn hộ cao cấp Riva Park đã được giới bất động sản quan tâm ngay trong lần mở bán đầu tiên sau khi cựu đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ quyết định mua “sỉ” 20 căn hộ tầng 12 và 12A để đầu tư cùng 1 căn penthouse.
Tổng giá trị các căn hộ mà cựu đại sứ du lịch Việt Nam dự định đầu tư tại Riva Park lên tới 100 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận độ “hot” của dự án sau khi thông tin trên được công bố, hàng loạt khách mua nhà cũng yên tâm hơn khi lựa chọn dự án mà doanh nhân kiêm diễn viên Lý Nhã Kỳ “chọn mặt gửi vàng”.
Tuy nhiên, gần đây, Riva Park lại một lần nữa được “nổi tiếng” bất đắc dĩ khi lọt danh sách 60 dự án “đất vàng” có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư trong đó có khu đất số 504 Nguyễn Tất Thành kể trên.
20 tỷ đồng cho gần 5.000 m2 “đất vàng”
Được biết, khu đất 504 Nguyễn Tất Thành (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) có tổng diện tích 4.785 m2 (chưa trừ lộ giới) và diện tích kho 2.171 m2. Trước năm 2015, khu đất trên được nhà nước giao cho CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CASUMINA) thuê đất để làm kho sản phẩm nhưng ít sử dụng do tình trạng cấm xe ô tô vào thành phố.
Năm 2006, khi CASUMINA tiến hành cổ phần hoá, khu đất trên không được tính vào giá trị doạnh nghiệp do là đất thuê dài hạn. Đến ngày 25/5/2011, Uỷ ban nhân dân Thành phố (UBNDTP) có quyết định sổ 2539/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá trị sử dụng đất tại mặt bằng số 504 Nguyễn Tất Thành theo giá thị trường là 85,67 tỷ đồng. Tuy nhiên do tình hình tài chính khó khăn nên đến cuối năm 2014, CASUMINA vẫ chưa nộp tiền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tháng 1/2014, Hội đồng quản trị CASUMINA (khi đó do ông Bùi Thế Chuyên – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam Vinachem làm chủ tịch) đã có quyết định thoái vốn khỏi dự án 504 Nguyễn Tất Thành, tách dự án ra khỏi công ty Tân Thuận Việt (công ty con của CASUMINA được thành lập để quản lý 2 dự án bất động sản là 504 Nguyễn Tất Thành và 09 Nguyễn Khoái).
Hai bên đăng ký tham gia triển khai dự án tại khu đất rộng gần 5.000 m2 ngay trung tâm thành phố của CASUMINA là CTCP Địa ốc Việt (Vietcomreal) và CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Phúc. Cả hai pháp nhân trên đều do bà Nguyễn Thị Phước làm Tổng giám đốc. Sau đó, ngày 20/12/2014, Hồng Phúc đã xin rút khỏi dự án và Vietcomreal trở thành chủ đầu tư duy nhất tại 504 Nguyễn Tất Thành sau khi các bên hoàn tất việc thoái vốn.
Để thực hiện dự án Riva Park, theo phương án mà tổng giám đốc CASUMINA Phạm Hồng Phú trình hội đồng quản trị, Vietcomreal sẽ hỗ trợ cho CASUMINA15 tỷ đồng chi phí di dời nhà kho và 5,14 tỷ đồng chi phí lợi thế thương mại.
Con số 5,14 tỷ đồng kể trên được các bên thống nhất tính bằng 6% giá trị đất đã được thành phố phê duyệt (giá thị trường khu đất phê duyệt năm 2011 là 85,67 tỷ đồng). Các chi phí triển khai và thủ tục đầu tư đều do Vietcomreal chi trả.
Như vậy, chỉ với hơn 20 tỷ đồng, CTCP Địa ốc Việt đã “chính thức” giành quyền đầu tư dự án Riva Park tại khu đất rộng 4.785 m2 từ công ty có vốn nhà nước CASUMINA.
Quay trở lại với công văn của Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị thanh tra dự án 504 Nguyễn Tất Thành – một trong 60 dự án, Bộ Tài chính nhận định khu đất ở vị trí có giá trị thương mại lớn nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá, không thực hiện đấu giá khi cổ phần hoá, chuyển đổi mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán nhưng không đấu giá theo Luật Đất đai năm 2013, việc xác định giá trị đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá trị thị trường.
Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất mà không qua đấy giá.Ngày 28/4/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến cho Bộ Tài chính chuyển danh sách 60 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017.
Lập lờ đánh lận con đen?
Logo của Vietcomreal đang sử dụng có sự tương đồng lớn với logo cũ của Vietcombank
Về chủ đầu tư dự án hiện nay tại lô “đất vàng” 3 mặt tiền số 504 Nguyễn Tất Thành, Vietcomreal được giới thiệu là được thành lập năm 2007 với số vốn 100 tỷ đồng bởi những tên tuổi lớn như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty Vàng bạc đá quý Tp.HCM (SJC), Công ty Cổ phần Bất động sản Sabeco,…
Không mấy bất ngờ với những cái tên trên khi bà Nguyễn Thị Phước – tổng giám đốc Vietcomreal từng là Chủ tịch Đại diện Quỹ thành viên Vietcombank 3, hiện giữ chức thành viên HĐQT CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung (cũng là một công ty con của SABECO như Bất động sản Sabeco)… Theo tài liệu mà PV có được, cổ đông lớn nhất hiện nay tại Vietcomreal là công ty TNHH Đầu tư – thương mại – dịch vụ Hưng Thịnh do bà Đỗ Biên Thuỳ - con gái bà Nguyễn Thị Phước làm tổng giám đốc, bà Phước cũng nắm giữ 9,19% vốn tại đây.
Trao đổi với PV ĐS&PL, đại diện ngân hàng Vietcombank khẳng định đã thoái sạch 11 tỷ đồng vốn góp tại Vietcomreal sau khi công ty này tiến hành tăng vốn lên 320 tỷ đồng như hiện nay.
Tuy vậy, mối quan hệ giữa Vietcombank và Vietcomreal còn khá mật thiết khi ngân hàng này “bơm” vốn 1.500 tỷ đồng cho Vietcomreal phát triển các dự án bất động sản. Theo quan sát, logo mà Vietcomreal sử dụng có sự trùng hợp khá lớn với logo cũ của ngân hàng thuộc top đầu tại Việt Nam cũng góp phần tăng niềm tin của khách hàng với chủ đầu tư này.
Chi trăm tỷ mua căn hộ của Vietcomreal , Lý Nhã Kỳ chịu rủi ro gì? Theo Luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, khi một dự án bất động sản đang triển khai mà bị đề nghị tạm dừng để thanh tra, kiểm tra thì tốt nhất người tiêu dùng nên cân nhắc lại ý định mua căn hộ ở đó. Bởi vì nếu qua thanh tra mà phát hiện sai phạm, thậm chí bị đề nghị dừng vĩnh viễn hoặc thay đổi chủ đầu tư thì người chịu rủi ro đầu tiên sẽ là khách hàng. Tất nhiên luật pháp hiện hành có quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với khách hàng khi những sai phạm đó ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của khách hàng. Đối với dự án do Vietcomreal làm chủ đầu tư mà Lý Nhã Kỳ đặt mua 20 căn hộ, đặt trường hợp dự án này bị dừng vĩnh viễn thì chủ đầu tư phải hoàn trả tiền cho khách hàng, ngoài ra còn phải chịu bồi thường thiệt hại cho khách hàng do lỗi của mình gây ra( thường là lãi suất). Trường hợp chủ đầu tư có hành vi lừa đảo khách nhà đầu tư dẫn đến bị xử lý hình sự thì khách hàng sẽ được toà tuyên bố nhận bồi thường. Hoàng Yến (ghi) |