Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:30
RSS

Điểm lại những vụ cán bộ y tế 'xộ khám' do nâng khống giá thiết bị

Thứ tư, 03/03/2021, 11:34 (GMT+7)

Lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, không ít các cán bộ y tế, lãnh đạo bệnh viện đã nâng giá thiết bị lên nhiều lần nhằm mục đích trục lợi.

Câu chuyện nâng khống, loạn giá thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập và trách nhiệm của các bên trong liên doanh, liên kết xảy ra thời gian gần đây nhận được sự quan tâm không nhỏ của dư luận. Bởi, việc làm này không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn làm ảnh hưởng đến niềm tin của người bệnh.

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ cán bộ y tế, lãnh đạo bệnh viện công "xộ khám" do có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, can thiệp vào việc đấu thầu, nâng khống giá thiết bị y tế, ...nhằm mục đích trục lợi

Nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai

Điểm lại những vụ cán bộ y tế 'xộ khám' do nâng khống giá thiết bị
Việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa tồn tại nhiều sai phạm. Ảnh minh họa.

Ngày 4/2, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ hành vi sai phạm của một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai và Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty CP công nghệ y tế BMS (gọi tắt là Công ty BMS) và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.

Cụ thể, theo Cơ quan CSĐT, một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai và Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và của Bộ Y tế, chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích trục lợi tiền khám chữa bệnh của người bệnh.

Hành vi trên của các cá nhân liên quan phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Căn cứ kết luận điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với Lý Thị Ngọc Thủy (SN 1968, Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai) và Phan Minh Dung (SN 1973, nguyên Tổng Giám đốc VFS) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các quyết định, lệnh nêu trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn.

Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan.

Dàn lãnh đạo Bệnh viện mắt TP HCM vi phạm quy định về đấu thầu

Ngày 9/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện các lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Minh Khải- Giám đốc Bệnh viện mắt TP HCM, để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 222, bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Minh Khải bị bắt tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến những phản ánh về việc đấu thầu thủy tinh thể nhân tạo tại bệnh viện này, trong đó có một số nội dung về hồ sơ mời thầu, tiêu chí kỹ thuật, có dấu hiệu “cài thầu”, chênh lệch giá…

Liên quan đến vụ việc này, trước đó, ngày 4/11/2020, các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an đã tiến hành khám xét nơi làm việc của một số cá nhân là lãnh đạo Bệnh viện mắt TP.HCM, trong đó có ông Nguyễn Minh Khải . Cơ quan công an niêm phong và thu giữ một số tài liệu, máy tính…

Ngày 8/2, C01 cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Võ Thị Chinh Nga- Phó Ggiám đốc; Phí Duy Tiến, nguyên Phó Giám đốc và Nguyễn Quốc Toản- nguyên trưởng khoa của Bệnh viện mắt TP HCM cùng về tội danh như đối với ông Khải để phục vụ công tác điều tra.

Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bị cáo buộc sai phạm trong đấu thầu mua thiết bị y tế

Điểm lại những vụ cán bộ y tế 'xộ khám' do nâng khống giá thiết bị
Hai bị can Bùi Lệ Phi và Cao Minh Chu khi bị bắt giữ. Ảnh: CQĐT

Ngày 1/3, ông Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, bà Bùi Thị Lệ Phi, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cùng hàng loạt người bị cáo buộc sai phạm trong đấu thầu mua thiết bị y tế.

Theo thông tin từ Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, các bị can đã có hành vi không công bằng, minh bạch trong đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.

Ông Cao Minh Chu và 4 người khác bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, cho tại ngoại, về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 BLHS.

Bà Bùi Thị Lệ Phi và 5 người khác bị bắt tạm giam, gồm: Hoàng Thị Thúy Nga, nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Hành trình Thành Công mới (NSJ Group); Lê Huy Bình, nguyên Phó Tổng giám đốc NSJ Group; Lương Tấn Thành, nguyên nhân viên ban quản lý dự án, Sở Y tế Cần Thơ; Đoàn Thị Nở, nguyên Trưởng phòng Dự án, Công ty TNHH Công nghệ cao LTQ (trước là Công ty NSJ); Lê Thành Hưng, nguyên nhân viên kinh doanh NSJ, do có hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, Bộ Công an có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị chỉ đạo các sở ngành cung cấp cho cơ quan điều tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan việc phê duyệt nguồn vốn đầu tư 2 gói thầu mua sắm thiết bị y tế (do Sở Y tế làm chủ đầu tư), bao gồm: dự án Hệ thống DSA hai bình diện của Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ và mua trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Thực tế đó cho thấy, việc liên doanh liên kết bệnh viện với các công ty và công tác đấu thầu, đấu giá thiết bị y tế hiện nay vẫn tồn tại những lỗ hổng.

Mặc dù việc liên doanh liên kết bệnh viện với các công ty thiết bị y tế là một chính sách đúng đắn giúp nâng cao kỹ thuật và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn nhưng trong quá trình triển khai lại xuất hiện không ít vấn đề, tiêu biểu như việc thẩm định giá, đấu thầu và các quy định trong hành lang pháp lý còn nhiều lỗ hổng, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng ngành y tế

Không chỉ có loạn giá thiết bị, dịch vụ y tế tại các cơ sở bệnh viện công, việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cũng nhận được sự quan tâm không nhỏ của dư luận cũng như các cấp bộ ngành.

Do đó, sau khi được Trưởng Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng giao nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2019, ngày 28/8/2019, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái đã ký văn bản số 1468/TTCP-VIII về việc triển khai thanh tra việc sử dụng quý bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh gửi Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phó trực thuộc TW đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng trong năm 2019 và quý I/2020.

Ngày 17/9/2019, TTCP ra Quyết định số 656/QĐ-TTCP thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế. Kiểm tra xác minh nội dung liên quan tại một số cơ sở y tế thuộc bộ, địa phương. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018 (khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này), thời hạn thanh tra 80 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Đến ngày 14/2/2020, TTCP ra văn bản số 198/TTCP-VIII về việc tiếp tục thực hiện thanh tra và báo cáo kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng gửi thanh tra các bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Vậy nhưng, từ năm 2019 đến nay, TTCP vẫn chưa ban hành được Báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng và kết luận thanh tra theo kế hoạch đề ra.

Điều đáng nói là, dù biết đây là cuộc thanh tra theo chỉ đạo và phức tạp nhưng Tổng TTCP lại giao cho ông Lê Hồng Lĩnh chỉ là thanh tra viên chính không phải thanh tra viên cao cấp, mới chuyển từ Vụ Kế hoạch – Tổng hợp sang Vụ Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo khối văn hoá xã hội (vụ III) làm Trưởng đoàn thanh tra thay ông Vũ Đức Tâm (nguyên trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên cao cấp đã được nghỉ chế độ hưu).

Việc thay đổi Trưởng đoàn thanh tra không phải thanh tra viên cao cấp trong khi quá thời hạn ban hành được Báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng và kết luận thanh tra nhiều tháng trời khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi,  đến năm nào Tổng TTCP mới ban hành được kết luận thanh tra?

Quang Thành
Theo Đại Đoàn Kết