Thứ sáu, 26/04/2024 | 19:27
RSS

Dị ứng thực phẩm ngày Tết: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí

Thứ năm, 03/02/2022, 06:20 (GMT+7)

Tết là dịp để gia đình đoàn viên, mọi người sum họp quây quần cùng nhau. Tuy nhiên, những bữa tiệc triền miên từ ngày này sang ngày khác luôn mang đến nhiều hiểm họa bệnh tật cho chúng ta, trong đó có dị ứng thực phẩm.

Dị ứng thực phẩm ngày Tết, dấu hiệu nhận biết và cách xử trí

Dị ứng thực phẩm là một trong những bệnh thường gặp trong dịp Tết. Ảnh minh hóa

Dị ứng thực phẩm là phản ứng dị ứng miễn dịch của cơ thể với một loại protein trong thức ăn đó. Khi vào hệ tiêu hóa, chúng sẽ được vận chuyển lên máu, kết hợp với một loại kháng thể nằm sẵn trên bề mặt tế bào bạch cầu. Sự kết hợp này làm vỡ tế bào bạch cầu và phóng thích các hóa chất trung gian histamin và gây ra dị ứng.

Một số triệu chứng thường thấy khi bị dị ứng thực phẩm như: ngứa trong miệng; tức ngực, khó thở; phát ban; da tấy đỏ hoặc bị sưng; tụt huyết áp; chàm bội nhiễm; rối loạn tiêu hóa; nổi mề đay cấp tính;…

Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm có thể do protein và các phân tử không thay đổi khi đi vào tuần hoàn; hệ miễn dịch tại ruột và tính miễn dịch của niêm mạc ruột; một số chất gây tăng tính thấm của niêm mạc ruột: rượu, aspirin, nhiễm virut, ký sinh trùng, nấm; ngoài ra dị ứng thức ăn còn do di truyền, do nhiễm siêu vi, tổn thương niêm mạc ruột…

Dị ứng thực phẩm ngày Tết, dấu hiệu nhận biết và cách xử trí

Để phòng ngừa dị ứng thực phẩm ngày Tết người dân nên tránh tiếp xúc với các món ăn dễ gây dị ứng. Ảnh minh họa

Khi có dấu hiệu bị dị ứng thức ăn, bạn tiến hành sơ cứu bằng cách chườm mát cơ thể bằng khăn lạnh, ẩm. Chính độ ẩm và nhiệt độ thấp có thể làm dịu nhanh làn da và ngăn ngừa hình thành thêm các nốt mẩn ngứa. Bên cạnh đó, người bị dị ứng thực phẩm cần uống thật nhiều nước.

Với những bệnh nhân bị sốc phản vệ và nguy cơ đe dọa tính mạng (nghẹt thở, chân tay lạnh, da nhợt nhạt, vã mồ hôi, mất tri giác…) thì cần hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

Để phòng ngừa dị ứng thực phẩm trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, người dân cần tránh sử dụng những thực phẩm, các sản phẩm có nguyên liệu làm từ thực phẩm mà bản thân đã bị dị ứng; nhận biết sớm các triệu chứng khi bị dị ứng: ngứa, sưng đỏ, đi lỏng..

Tránh tiếp xúc với các món ăn dễ gây dị ứng; khi phản ứng dị ứng thực phẩm có chiều hướng nặng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời; đối với trẻ em, khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng thực phẩm: nổi mề đay toàn thân, khó thở… phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để cấp cứu.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại